Sau khi xăng dầu tăng giá, nhiều cửa hàng ở ĐBSCL nhập xăng dầu bán trở lại

Tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Công thương cung ứng khẩn gần 74.000m3 xăng dầu. Trong khi An Giang, Đồng Tháp… tăng cường kiểm tra các cây xăng, nhất là sau phiên điều chỉnh giá lúc 15 giờ chiều nay.

Cửa hàng Petrolimex trên đường 3/2, TP Rạch Giá (Kiên Giang) bán bình thường vào chiều 11-10. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ngày 11-10, ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công thương đề nghị hỗ trợ nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Kiên Giang đề nghị Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân đầu mối cung ứng khẩn 73.560m3 xăng dầu (mỗi loại 36.780m3).

Tại An Giang, Sở Công thương tỉnh này đã tiếp nhận 24 (trong tổng số 559 cửa hàng xăng dầu) thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Sở Công thương chỉ chấp thuận cho 2 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%) do đường giao thông đang sửa chữa, 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường. Trên địa bàn tỉnh có 30 cửa hàng vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Nguyên nhân được xác định do giao thông đi lại khó khăn nên các thương nhân kinh doanh xăng dầu cung cấp hàng chậm hoặc do chiết khấu thấp nên các đại lý ngừng lấy hàng.

Ghi nhận sau thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu (xăng tăng khoảng 590đ/lít, dầu tăng khoảng 1.890đ/lít), nhiều cửa hàng xăng dầu tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… bắt đầu nhập hàng bán trở lại.

Ngành công thương các địa phương kêu gọi người dân bình tĩnh, tình trạng khan hiếm xăng dầu vừa qua chỉ là cục bộ, sắp tới các bộ, ngành sẽ có tính toán, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nguồn cung nhiên liệu. Bởi trên thực tế, xăng dầu trong nước không hề khan hiếm.

Tin cùng chuyên mục