Sau một tuần (từ 13 đến 20-4) thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về quy định khống chế lãi suất tiền gởi USD xuống dưới 3%/năm đã làm cho nhiều người dân ở TPHCM và các nơi “buông” đồng USD, chuyển sang tiền đồng Việt Nam (VND) để gửi ngân hàng. Nguyên nhân là độ chênh lệch lãi suất tiền gửi USD thấp hơn VND đến 11%/năm. Đặc biệt, lượng USD người dân bán cho các ngân hàng cũng tăng cao…
Thị trường USD trái phép: Không còn hấp dẫn
Thị trường vàng: Lượng giao dịch tăng gấp đôi |
Ngày 20-4, tỷ giá USD liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 5 đồng, xuống còn 20.728 đồng/USD so với mức giá ngày trước đó 19-4. Đồng thời, giá USD thu vô tại các ngân hàng thương mại cũng giảm 5 đồng (từ 20.920 đồng xuống còn 20.915 đồng/USD) nhưng vẫn giữ nguyên giá bán ra là 20.935 đồng/USD. Với mức giá này, giá USD thu vô ở các điểm thu đổi hiện thấp hơn các ngân hàng thương mại đến 65 đồng nhưng giá bán ra lại cao hơn khoảng 65 đồng/USD. Vì thế, nhiều khách hàng “chê” thị trường tự do.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các điểm thu đổi USD trên đường Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), An Dương Vương (quận 5) hoạt động có phần ảm đạm. Một số điểm đã ngưng giao dịch USD với khách hàng. Rõ ràng, thị trường USD trái phép (người dân quen gọi là thị trường tự do) đã không còn nhộn nhịp, hấp dẫn như trước vì mức chênh lệch nói trên.
Tuy nhiên, một số khách vẫn chưa nắm rõ thông tin và ngại tiếp xúc với ngân hàng nên vẫn giao dịch lén lút tại các điểm mua bán trái phép. Đơn cử, tại tiệm vàng K.L vào lúc 12 giờ 45 ngày 20-4, khi chúng tôi thử yêu cầu nhân viên tại đây bán cho 300 USD để đi du lịch thì bị từ chối thẳng thừng, trong khi ngay sau đó khoảng 3 phút thì nhân viên ở đây ngang nhiên thu vô của một khách hàng quen gần 5.000 USD. Nguyên nhân người dân còn đến với những điểm thu đổi trái phép là do “ác cảm” với ngân hàng trước đây.
Chẳng hạn, chị Nguyễn Ngọc Tuyết Mai, giám đốc đối ngoại của một công ty mỹ phẩm, cho biết đầu tháng 4 vừa qua, chị có làm đơn xin mua của Ngân hàng Vietcombank 1.000 USD để đi công tác nhưng sau khi xem xét ngân hàng này chỉ đồng ý bán cho chị 600 USD.
Dự trữ ngoại tệ bắt đầu dịch chuyển
Theo thống kê, số vốn huy động 3 tháng đầu năm trên địa bàn TPHCM giảm 2,35% (cùng kỳ tăng 2,91%). Trong đó, huy động vốn nội tệ giảm đến 7,4% và huy động vốn ngoại tệ tăng 12,8%. Nguyên nhân tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân giảm mạnh (giảm 8,41%; trong đó tiền gửi VND giảm 14,7%), tiền gửi tiết kiệm cũng tăng chậm (chỉ tăng 3,72% - cùng kỳ tăng 8,7%) là do tâm lý của người dân lo ngại về giá vàng tăng cao, lạm phát nên rút tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác như thị trường bất động sản, vàng...
Thế nhưng, kể từ 13-4 với quy định khống chế trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 3% đối với cá nhân và 1% đối với tổ chức thì dòng tiền VND chảy vào ngân hàng tăng mạnh. Hiện tượng “găm” USD đã giảm hẳn. Những sổ tiết kiệm bằng ngoại tệ đến hạn đã được người dân chuyển sang VND để gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao hơn. Bởi tính theo mức lãi suất hiện nay, lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp hơn lãi suất VND đến 11%.
Với 47 vụ việc vi phạm về mua bán ngoại tệ trái phép đã bị các ngành chức năng ở TPHCM phát hiện, xử phạt 1,5 tỷ đồng đã góp phần làm cho thị trường ngoại tệ tự do dần ổn định. Chênh lệch giá bán ngoại tệ USD giữa các ngân hàng thương mại và thị trường tự do tiếp tục thu hẹp, từ khoảng 1.000 đồng/USD trong tháng 2, xuống còn 300 - 500 đồng/USD trong tháng 3 và chỉ còn 10 đồng/USD vào giữa tháng 4.
Nhờ chênh lệch tỷ giá USD giữa 2 thị trường gần bằng nhau nên nhiều khách hàng bán ngoại tệ cho các ngân hàng, các đại lý đổi ngoại tệ chứ ít bán ra thị trường tự do. Cụ thể, lượng ngoại tệ mua được từ các đại lý đổi ngoại tệ và bán cho các tổ chức tín dụng hiện nay nhiều hơn trước. Một số ngân hàng thương mại cho biết gần đây đã mua được cả triệu USD/ngày. Điều đó đã giúp các ngân hàng thương mại “đuổi” kịp lượng USD đáp ứng cho các nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp và cá nhân. Nếu tổng nhu cầu ngoại tệ hiện nay là 165,1 triệu USD thì tổng doanh số mua USD của ngân hàng thương mại đạt 161,4 triệu USD.
Một tín hiệu vui khác là khi người dân giảm tích trữ đồng ngoại tệ, chuyển sang gởi bằng VND đã làm cho tình hình lãi suất huy động vốn bằng nội tệ có dấu hiệu ổn định hơn, giảm áp lực cho việc xé rào tăng lãi suất huy động bằng nội tệ ở một số ngân hàng. Qua kiểm tra mới đây tại 6 đơn vị ở TPHCM về thực hiện lãi suất huy động, chưa phát hiện việc huy động lãi suất vượt trần.
HÀN NI - MAI THI