Sâu thẳm tình người

Sáng chủ nhật rồi đối với tôi, có lẽ là một trong những ngày đáng nhớ trong bao tháng qua. Ấn tượng và xúc động vô ngần khi lúc trời chưa sáng, một không khí lễ đúng nghĩa đã hiển hiện ở một đoạn đường dài đi vào Nhà tang lễ quận Gò Vấp, TPHCM. Trang nghiêm đến độ ấn tượng khi hình ảnh hàng trăm em học sinh Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp trang phục chỉnh tề, tay cầm những lẵng hoa thơm ngát đứng hai bên đường chờ đến giờ vào viếng và tiễn đưa Nhà giáo ưu tú Trần Văn Triệu về cõi vĩnh hằng...
Sâu thẳm tình người

Sáng chủ nhật rồi đối với tôi, có lẽ là một trong những ngày đáng nhớ trong bao tháng qua. Ấn tượng và xúc động vô ngần khi lúc trời chưa sáng, một không khí lễ đúng nghĩa đã hiển hiện ở một đoạn đường dài đi vào Nhà tang lễ quận Gò Vấp, TPHCM. Trang nghiêm đến độ ấn tượng khi hình ảnh hàng trăm em học sinh Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp trang phục chỉnh tề, tay cầm những lẵng hoa thơm ngát đứng hai bên đường chờ đến giờ vào viếng và tiễn đưa Nhà giáo ưu tú Trần Văn Triệu về cõi vĩnh hằng...

        Tấm lòng với người thầy

Thầy Trần Văn Triệu (74 tuổi), lúc mới 25 tuổi đã là hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Sau năm 1975, thầy giữ nhiệm vụ hiệu trưởng ở nhiều trường thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Lâu nhất là hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho đến lúc nghỉ hưu.

Thời gian ở Trường THCS Quang Trung có lẽ là in dấu nhất trong cuộc đời dạy học của thầy. Không vợ con, thầy ở luôn tại trường, suốt ngày miệt mài chăm lo trường lớp và học sinh thân yêu. Bao kỷ niệm gắn bó cuối đời cũng chất chứa đầy ắp nơi đây.

Cô Đỗ Thanh Thúy, đương kim hiệu trưởng nhà trường đã nghẹn lòng khi nói về thầy trong những ngày trực tiếp khách ở lễ tang thầy: “Tôi và nhiều thầy cô khác đã trưởng thành nhờ sự dìu dắt của thầy. Tấm gương tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu của thầy đã để lại trong bao người sự kính trọng sâu sắc”. Có lẽ cũng vì điều này mà rất nhiều thầy cô giáo, nhiều em học sinh dù chưa từng được học thầy nhưng hiện tại đang là giáo viên, học sinh Trường THCS Quang Trung đã đến viếng, tiễn đưa thầy với tình cảm hết sức kính trọng và yêu thương. Nhìn thái độ trang nghiêm của từng em khấn lạy trước vong linh thầy, một sự xao động trong lòng tôi bỗng lâng lâng!

Đông đảo thầy cô giáo và học sinh đến viếng thầy Trần Văn Triệu.

Đông đảo thầy cô giáo và học sinh đến viếng thầy Trần Văn Triệu.

Do sống đơn độc trong nỗi đau bệnh tật nên ngành giáo dục quận Gò Vấp và Công đoàn Trường Quang Trung đã bàn giúp đỡ thầy. Các cô ở Trường Quang Trung đã tìm nhiều người đến chăm sóc thầy lúc bệnh tật, nhưng không ai ở lâu được vì quá vất vả. Cuối cùng, các cô đã tìm được một người phụ nữ từ Bắc Giang vào Nam tìm kế sinh nhai, là chị Lại Thị Thanh (54 tuổi), đã gắn bó với thầy như một định mệnh, suốt ngày lo cơm nước, tắm rửa, thuốc men, đưa đi viện mỗi lần chạy thận… và luôn túc trực bên thầy suốt ngày đêm trong gần 10 năm nay.

Những ngày cuối cùng thầy nằm ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, các bác sĩ đều tưởng chị là vợ thầy, bởi như nhiều bác sĩ nói, một người bệnh tiểu đường, chạy thận, nằm liệt gần 5 năm rồi mà không có một vết lở loét trên thân thể là do người chăm quá kỹ lưỡng.

Nhiều người đến thăm thầy, hỏi về hoàn cảnh, chị Thanh chỉ cười và chia sẻ: “Gần 10 năm chăm sóc thầy, tôi không còn nghĩ gì là người dưng hay người giúp việc nữa. Tôi xem thầy như ruột thịt của mình, cố gắng chăm từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cho thầy. 5 năm nay, thầy nằm bất động, một mình tôi lo dọn dẹp chỗ nằm, vệ sinh, tắm rửa, thuốc men, bón cơm cháo hàng ngày cho thầy. Thấy tôi cực khổ, thầy khóc nhưng không nói được. Tôi phải hứa với thầy là khi nào thầy còn sống thì tôi còn ở đây chăm nom thầy, thầy đừng lo lắng mà tổn hại sức khỏe”.

Nhiều đồng nghiệp, bạn bè đến thăm thầy đã cảm kích tấm lòng nhân ái của chị và cùng nhận xét rằng: “Nếu không có sự giúp sức của người phụ nữ này thì chắc thầy không thể sống nổi trong mười mấy năm qua!”.

        Một kết thúc có hậu

Những ngày cuối cùng khi nghe tin tình hình sức khỏe thầy Triệu rất xấu, thầy Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Gò Vấp, đã bàn với cô Đỗ Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung và báo cáo với lãnh đạo quận việc chuẩn bị hậu sự khi thầy Triệu ra đi. Ghi nhớ công lao cống hiến cho ngành giáo dục quận nhà của Nhà giáo ưu tú Trần Văn Triệu, các đồng chí lãnh đạo quận đã giao ngành việc chuẩn bị chu đáo hậu sự. Toàn ngành giáo dục quận đã vào cuộc và một lễ tang trang nghiêm, trọn vẹn nghĩa tình đã được tổ chức trang trọng, ấm lòng bao người.

Lo cho thầy Triệu xong, lãnh đạo ngành lại không quên trách nhiệm với người phụ nữ đã hơn 10 năm gắn bó cùng thầy. Đêm trực cuối cùng ở nhà tang lễ, các thầy cô cùng bàn nhau tìm cách giúp đỡ chị Thanh, cố kiếm cho chị một việc làm ổn định, phù hợp với tuổi tác. Số tiền 20 triệu đồng còn tích lũy để lo cho thầy Triệu lúc bệnh tật sẽ tặng hết cho chị để có vốn làm ăn, thuê nhà ở… Số tiền bạn đọc hỗ trợ thầy chữa bệnh trong tháng này (1.600.000 đồng), đại diện Báo SGGP cũng thống nhất thay mặt bạn đọc gởi tặng chị Thanh trang trải thêm cuộc sống.

Cách đối nhân xử thế đầy tính nhân văn của bao thế hệ nhà giáo quận Gò Vấp đã để lại một dấu ấn đẹp, sâu thẳm tình người. Chính những điều cao quý đến độ thiêng liêng ấy đã gieo hạt mầm nhân ái đến bao trái tim yêu thương của cộng đồng!

Trang Nhịp cầu nhân ái Báo SGGP số ra ngày 9-8-2012 có đăng bài “Xin giúp thầy giáo Trần Văn Triệu”, nhiều bạn đọc đã gởi tiền giúp đỡ thầy. Tính đến ngày 21-8-2013, tổng số tiền bạn đọc đóng góp là 29.050.000 đồng. Số tiền này được thêm vào để hỗ trợ cùng các thầy cô giáo trang trải chi phí thuốc men, chạy thận, viện phí, nuôi dưỡng thầy… trong hơn 1 năm qua.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục