Hiện nay, cả nước có trên 900.000 đàn ong Ý (Apis mellifera) phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam bộ với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 18 - 21 tấn mật ong, xuất khẩu 80% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, thực tế khâu sơ chế và bảo quản mật ong vẫn còn thực hiện khá thủ công, dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng giá trị kinh tế. Nhận thấy điều đó, nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (thông qua sự hỗ trợ từ Sở KH-CN TPHCM) đã nghiên cứu thành công hệ thống thiết bị sấy bơm nhiệt đa năng tự động các sản phẩm của ong mật, tạo cơ sở để chuyển giao công nghệ đến các vùng mật ong nguyên liệu.
TS Vũ Kế Hoạch, đồng tác giả hệ thống kể trên, cho biết 2 sản phẩm chính của con ong mật là mật ong và phấn hoa. Thực tế, mật ong sau thu hoạch có độ ẩm từ 21% - 24%. Với độ ẩm này, mật ong không để lâu được, thường chỉ sau 2 tháng đã chuyển màu và phát sinh nấm mốc… Trong khi đó tại các trang trại, xí nghiệp, nông dân vẫn sử dụng cách sơ chế truyền thống nhờ vào phơi sấy dưới ánh nắng tự nhiên hoặc hơi nóng trực tiếp. Hệ quả, các sản phẩm sau sơ chế mất chất dinh dưỡng và không đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu kỹ các công nghệ sấy trên thị trường như máy sấy phấn hoa chân không vi sóng, máy cô đặc mật ong chân không có đảo trộn… nhóm nghiên cứu đã tính toán thiết kế chế tạo thành công hệ thống thiết bị sấy đa năng theo nguyên lý sấy bơm nhiệt, vốn là phương pháp sấy phổ biến trên thế giới trong thời gian gần đây.
Sấy bơm nhiệt có mức đầu tư kinh phí thấp, tiêu thụ điện năng thấp, sản phẩm sau sấy giữ được nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng nhất. Hệ thống sấy đa năng này đã được đưa vào sản xuất thực nghiệm tại Công ty TNHH Huy Hoàn (Bình Phước) với quy mô 10 mẻ sấy mật ong (năng suất 50 kg/mẻ) và 10 mẻ sấy phấn hoa (20 kg/mẻ). Kết quả xác định được thời gian sấy mật ong chỉ mất 35 – 55 phút, phấn hoa từ 3 - 4 giờ, thấp hơn một nửa thời gian so với các công nghệ sấy khác. Đặc biệt, kết quả kiểm định tại các cơ quan có chức năng cho thấy, các thành phần trong mật ong như hàm lượng nước, hydroxy methylfurfural (HMF), diastase đạt các tiêu chuẩn quy định; hàm lượng vitamin C và các chỉ tiêu vi sinh trong phấn hoa cũng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ kết quả này, một hệ thống sấy đa năng hoàn chỉnh đã được lắp đặt vận hành tại Công ty TNHH Cửu Long Bee (tỉnh Tiền Giang). Theo đại diện Công ty Cửu Long Bee, việc ứng dụng máy sấy đa năng này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nông dân bởi mật ong sau khi sấy bán được giá thành cao hơn hẳn. TS Vũ Kế Hoạch khẳng định, hiện hệ thống máy sấy đã sẵn sàng chuyển giao ứng dụng sản xuất đại trà. Năng suất sấy của máy có thể điều chỉnh tùy theo quy mô, nhu cầu. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn khi đầu tư hệ thống máy sấy này khá ngắn, chỉ vào khoảng 6 tháng, với lãi ròng mỗi năm gần 550 triệu đồng.
TƯỜNG HÂN