(SGGPO). - Ngày 30-3, trao đổi với báo chí về các vấn đề liên quan, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết: Quan điểm của SCIC với các doanh nghiệp đang nắm giữ vốn là đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp. Việc ứng xử dựa trên nguyên tắc thị trường, đồng hành với lợi ích của doanh nghiệp chứ không phải theo mệnh lệnh hành chính, kể cả trong vấn đề nhân sự.
Đại diện cho phần vốn nhà nước nên lợi ích của Nhà nước là trên hết, ông Chi cũng cho biết, việc bán, giữ cổ phần tại doanh nghiệp là dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp bất khả kháng khi lợi ích của SCIC với cổ đông khác không cùng nhau thì sẽ áp dụng quy tắc thị trường, thoái vốn "không đứng chung hàng ngũ với doanh nghiệp nữa".
Liên quan đến việc thù lao cho người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, theo SCIC, năm 2015, số tiền này là 11,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, số tiền thù lao này dù trả cho cá nhân người đại diện nhưng người đại diện không được hưởng mà chuyển về quỹ chung của SCIC. Cũng theo ông Lai, năm 2014, số tiền mà doanh nghiệp trả cho người đại diện mà ông là đại diện khá lớn như: từ Vinamilk 770 triệu đồng, FPT trả 20 triệu đồng/tháng chuyển Tổng công ty cổ phần Bảo Minh 5 triệu đồng/tháng, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Việt Nam 15 triệu đồng/tháng... Còn trong năm 2014, thù lao ban lãnh đạo SCIC kiêm nhiệm hội đồng quản trị đại diện tại doanh nghiệp là 2,5 tỷ đồng, năm 2015 là 3,2 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án tháp truyền hình, theo ông Chi, hiện dự án mới đang nghiên cứu tiền khả thi. Do vậy, nếu nói tại sao đầu tư hoặc đầu tư hay không là khó. Tuy nhiên, nếu dự án không hiệu quả thì SCIC cũng sẽ không tham gia.
NGỌC QUANG