Sẻ chia cùng những phận đời…

Sẻ chia cùng những phận đời…

Họ là những độc giả quen thuộc, gắn bó với Báo SGGP suốt nhiều năm qua, trong đó có chuyên trang “Nhịp cầu nhân ái”. Nhờ sự chung tay sẻ chia của họ mà rất nhiều bệnh nhân cơ nhỡ đã vượt qua cơn hiểm nghèo; những cảnh đời éo le có thêm hy vọng, niềm tin từng bước vươn lên trong cuộc sống...

Hàng ngày bà Tùng Vân luôn dành thời gian đọc tất cả các chuyên mục trên báo SGGP, trong đó có mục bà quan tâm nhất là “Địa chỉ cần giúp đỡ”.

Hàng ngày bà Tùng Vân luôn dành thời gian đọc tất cả các chuyên mục trên báo SGGP, trong đó có mục bà quan tâm nhất là “Địa chỉ cần giúp đỡ”.

1. Bà Nguyễn Thị Tùng Vân (74 tuổi, ngụ tại phường 13 quận 5, TPHCM) là tấm gương điển hình của lẽ sống “thương người như thể thương thân”. Bà là bạn đọc gắn liền với Báo SGGP từ lúc tờ báo còn in bằng “giấy đen đen” (theo lời bà) thời kỳ đất nước mới thống nhất. Không những vậy, hơn 10 năm qua, kể từ khi chuyên trang “Nhịp cầu nhân ái” chính thức khai mở vào năm 2002 cũng là ngần ấy thời gian bà gắn bó, đồng hành cùng những số phận kém may mắn, đồng bào thiên tai, lũ lụt. Hành trang để bà trải lòng giúp những mảnh đời bất hạnh vượt qua cơn bĩ cực chính là chút ít tiền mọn dành ra từ phần tiền có được bằng sức lao động chân chính của mình. Không nhiều, chỉ một, hai trăm ngàn nhưng tấm lòng biết sống không chỉ cho riêng mình ấy đã lặng lẽ làm việc thiện chỉ với một tâm nguyện cao cả là “cho đi hạnh phúc hơn là nhận”. Gần 5 năm trở lại đây, tuổi cao, bệnh tật giày vò làm sức khỏe suy giảm, vậy nhưng điều đó không ngăn được thói quen đọc báo, làm việc thiện đã đi theo bà hơn nửa cuộc đời. Bóng dáng bà cụ tóc điểm sương, dáng đi chậm rãi, giọng nói trầm ấm, nụ cười hiền từ thi thoảng vẫn xuất hiện tại phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP. Vẫn nếp cũ là mẫu “Địa chỉ cần giúp đỡ” cùng số tiền đóng góp trên tay. Và điều đáng quý, đáng trân trọng nhất, đồng thời làm chúng tôi xúc động khi nghe bà tâm sự rằng, đó là số tiền thuốc con cháu cho được bà trích ra một ít làm từ thiện giúp đời.

2. So với bà Tùng Vân thì gia đình chị Lý Quang Mỹ (ngụ tại quận 12, TPHCM) có thâm niên gắn bó với Báo SGGP và chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” chỉ mới gần chục năm. Vậy nhưng tình cảm tương thân tương ái, sự đồng cảm với nỗi đau của bệnh nhân cơ nhỡ, số phận nghiệt ngã của từng mảnh đời khốn khó đăng trên mục “Địa chỉ cần giúp đỡ” mà tập thể gia đình giàu lòng nhân ái này dành cho họ thì không hề nhỏ. Đều đặn hàng tuần, trên đường đi lấy hàng hoặc trên đường về nhà, anh Tăng Ngọc Sanh, đại diện gia đình, đều tranh thủ thời gian ghé vào phòng từ thiện của báo để đóng góp tiền giúp đỡ hoàn cảnh bất hạnh. Vừa ngồi xuống ghế, trên mặt còn lấm tấm mồ hôi, anh đưa bàn tay 5 ngón ra hiệu kèm theo câu nói ngắn gọn: “Tôi xin giúp 5 trường hợp”. Từ đó đến nay, gia đình anh Sanh, chị Mỹ là bạn đọc duy nhất ủng hộ 5 trường hợp cơ nhỡ/lần qua kênh thông tin của Báo SGGP.

3. Ông Hồ Đại Phước (72 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM), một bạn đọc gắn bó thuộc dạng “máu thịt” với Báo SGGP mấy chục năm qua, cũng có cách làm từ thiện “không đụng hàng” của mình. Tròn 20 năm, năm nào cũng vậy, cứ cách 1 tuần trước ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19-5), ông lại tự mình đến tòa soạn Báo SGGP từ sáng sớm cùng với số tiền được chia làm 3 phần rạch ròi nhờ báo chuyển đến Quỹ tôn tạo Lăng Bác, các cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ và Quỹ nạn nhân chất độc da cam. Mỗi phần tuy không nhiều, nhưng cộng lại suốt 20 năm cũng đã gần trăm triệu đồng. Và cũng hiếm có người nào làm được như ông Phước đó là dành toàn bộ số tiền mừng cưới con trai (60 triệu đồng), con gái (44 triệu đồng) để làm từ thiện. Cả 2 lần ông đều nhờ Báo SGGP đến chứng kiến và làm thủ tục chuyển đến địa chỉ mà ông muốn giúp. Nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ vào ngày 19-5-2013 sắp tới, cũng là lần thứ 21 ông Phước tiếp tục thể hiện tấm lòng son sắt với Bác cũng như trái tim nhân ái biết sống vì người khác của mình.

Hiện tại, đều đặn hàng tuần, vào các ngày thứ hai và thứ năm, chuyên trang “Nhịp cầu nhân ái” và mục “Địa chỉ cần giúp đỡ” Báo SGGP vẫn tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc gần xa thông tin, hình ảnh về những cảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn vốn vẫn còn đâu đó rất nhiều trong xã hội. Và cũng rất đáng quý khi chúng tôi đã nhận được sự phản hồi rất tích cực thể hiện qua tấm lòng vàng của đông đảo bạn đọc. Con số gần 100 trường hợp cơ nhỡ được giúp đỡ với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm là minh chứng sinh động cho những nỗ lực đáng trân trọng ấy.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục