Sẽ “dậy sóng” bất động sản?

Sẽ “dậy sóng” bất động sản?

Từ 1-7-2015, quy định mới cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7 chính thức cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đây được xem là một bước ngoặt lớn trên thị trường bất động sản. Cùng với sự phục hồi của thị trường trong thời gian qua, liệu chính sách này có làm “dậy sóng” thị trường bất động sản trong thời gian tới?

Thuê, mua đều khó

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, tại TP có hơn 80.000 người Hàn Quốc, 7.600 người Nhật, 1.200 người Đức, 6.000 người Philippines và rất nhiều người Trung Quốc… Đây là những trường hợp người nước ngoài cư trú tại TPHCM trong thời gian dài để kinh doanh, làm việc cho các tập đoàn. Người nước ngoài cũng cư trú theo khu vực, như người Nhật chủ yếu tập trung khu vực quận 1, người châu Âu tập trung khu vực Thảo Điền (quận 2), người Hàn Quốc tập trung khu vực Tân Bình… Một số khu đô thị mới có quy hoạch, an ninh tốt thu hút khá đông người người ngoài đến cư trú như Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có gần 27.000 cư dân, trong đó hơn 40% là người nước ngoài đến từ 20 quốc gia như Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Nhật Bản… Do thời gian qua việc quy định người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam còn khó khăn nên phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống và học tập chủ yếu thuê nhà dài hạn để ở. Bà F.B (quốc tịch Pháp, xin được giấu tên) - người nước ngoài đầu tiên được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cho biết: “Tôi làm ở Việt Nam đã 16 năm. Tôi không thích ở thuê và muốn được sở hữu một căn nhà trên đất nước này. Tôi đã tìm hiểu nhiều về quy định dành cho người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam, rất dài dòng và phức tạp. Nếu ở một đất nước khác tại châu Âu, tôi chỉ mất khoảng 2 tuần để mua một căn nhà, còn ở Việt Nam phải kéo dài hơn 9 tháng. Đã từng có lúc tôi muốn bỏ cuộc…”.

Khách nước ngoài nghiên cứu đầu tư một dự án bất động sản ở Bình Dương.

Việc người nước ngoài muốn thuê nhà tại Việt Nam để ở cũng phải trải qua nhiều thủ tục rất nhiêu khê. Cá nhân có nhà muốn cho người nước ngoài thuê, bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp và hàng loạt điều kiện kèm theo (ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh) mới được cho thuê. Do đó, hầu hết người dân đều cho thuê “chui” và tự “giải quyết” khi bị nhân viên công quyền kiểm tra.

Con số người nước ngoài đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng làm việc, sinh sống có nhu cầu về nhà ở khá cao và họ cũng là đòn bẩy giúp cho thị trường bất động sản tại khu vực đó phát triển. Tại Khu Thương mại Tài chính quốc tế và Khu The Crescent (Phú Mỹ Hưng) có sự hiện diện của hàng loạt công ty đa quốc gia, thương hiệu quốc tế như Manulife, IBIS, Crescent Mall… kéo theo nhiều chuyên gia nước ngoài đến làm việc đã tạo nên sự sôi động cho thị trường thuê, mua nhà ở tại đây. Tuy nhiên, thủ tục vẫn còn là rào cản lớn trong thời gian qua.

Chính sách rộng mở?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, việc Quốc hội thông qua chính sách mới về cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp thị trường bất động sản có luồng sinh khí mới. Vì đây là kiến nghị mà ông cũng như tổ chức này đã theo đuổi từ khá lâu và dành nhiều thời gian, công sức, để mong lĩnh vực bất động sản Việt Nam thực sự hội nhập với thế giới. Khi chính sách mới được thông qua, nhiều chủ đầu tư đã chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp mình. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, cho biết tại Bình Dương hàng chục ngàn chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp, giáo dục, y tế… nhưng hầu hết sau giờ làm việc đều về TPHCM. Do đó, vừa qua công ty đã hợp tác với Công ty Becamex IJC đầu tư một khu đô thị nhằm đón đầu chính sách mới. Ông Tuấn cho hay, với những người có kế hoạch sinh sống, làm việc tại Việt Nam lâu dài và với giá thuê nhà khá cao như hiện nay, chắc chắn họ sẽ chuyển sang mua nhà thay vì thuê. Do đó, công ty đang chuẩn bị dự án để nắm bắt cơ hội này.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, chuyên gia Lê Bá Chí Nhân cho rằng, không phải người nước ngoài nào đến Việt Nam định cư lâu dài cũng muốn mua nhà. Bởi họ còn phụ thuộc vào thu nhập, sở thích… Đó là chưa nói đến rào cản và những vướng mắc ban đầu khi chính sách có hiệu lực cần phải điều chỉnh. Do đó, cũng không nên quá kỳ vọng người nước ngoài có thể làm nên “cơn sốt” khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng băn khoăn với một số điều khoản của luật, trong đó có quy định khống chế số lượng được mua căn hộ là 30% trong một tòa nhà, hoặc 250 căn trong một khu vực hành chính cấp phường. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Thanh Yến Land, cho rằng không thể phủ nhận, người nước ngoài cùng quốc tịch, quốc gia thì họ thích ở cùng khu vực với nhau, vì chung phong tục tập quán. Còn nếu quy định nhà riêng lẻ chỉ tối đa 250 căn trong một phường thì không hợp lý, bởi vì có những khu đô thị mới có đến hàng ngàn căn hộ biệt thự. Ngoài ra, thời hạn sở hữu 50 năm là mức thấp nhất của thế giới đang áp dụng hiện nay. Nhiều nước đang áp dụng 75 hoặc 99 năm. Nếu quy định thời hạn này thì cũng phải làm rõ là sau khi hết thời hạn, người nước ngoài có được tái ký hay không, để con cháu họ có thể an tâm.

Đỗ Trà Giang

Tin cùng chuyên mục