Đây là một trong những câu hỏi lớn nhất của rất nhiều người dân khi biết về đề án thu phí đối với ô tô khi vào khu vực trung tâm.
Phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng đã tìm gặp ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM liên tiếp hai khóa 11 và 12, để tìm câu trả lời. Ông Đặng Văn Khoa phân tích: với mức gia tăng khoảng 100 ô tô và 12.000 xe gắn máy/ngày, TPHCM cần triển khai ngay các giải pháp hạn chế xe cá nhân bởi không một nguồn ngân sách của một TP lớn nào có thể đủ để liên tục xây thêm cầu mới, đường mới, đáp ứng cho sự gia tăng “phi mã” của các phương tiện giao thông như thế. Trước mắt là ô tô cá nhân vì đây là loại xe chiếm diện tích lớn. Đối tượng này về cơ bản không dễ bị tổn thương về mặt vật chất khi bị thu phí như phần đông người sử dụng xe gắn máy 2 bánh. Cho dù hiện nay, nhìn tổng thể trên mặt đường, xe gắn máy hai bánh lưu thông “hỗn loạn” hơn ô tô. “Tôi sử dụng ô tô và tôi sẵn sàng đóng phí” - ông Đặng Văn Khoa nói.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, có câu trả lời hơi khác. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa ủng hộ hạn chế xe cá nhân nhưng đề nghị nên được nghiên cứu trong một kế hoạch tổng thể chống ùn tắc giao thông của TP. “Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88 cho phép các TP lớn nghiên cứu lộ trình hạn chế xe cá nhân. Hãy vận dụng chủ trương này để nghiên cứu cho thấu đáo. Nếu nghiên cứu chỉ ra rằng cần thu phí ô tô khi vào khu vực trung tâm TP thì làm. Tuy nhiên, không nên chỉ nghiên cứu thu phí ở khu vực trung tâm mà nên triển khai thêm ở một số khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do quá tải như Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận…”.
Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều ý kiến khác nhau như thế nữa. Nhưng chỉ xin cung cấp một thông tin nhỏ từ thống kê của Sở GTVT TPHCM. Nếu như cách nay 8 năm, tốc độ lưu thông ở khu vực trung tâm TPHCM trung bình 18,2km/h và khu vực ngoại vi 50km/h thì hiện nay lần lượt còn khoảng 14,3km/h và 36,4km/h. Hơn nữa, nếu như trước kia xe chỉ đông vào giờ cao điểm thì nay gần như lúc nào cũng là giờ cao điểm. Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, một trong những nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu về giao thông TP cho biết, tốc độ lưu thông giảm đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người dân, đặc biệt đến sức khỏe, thời gian, kinh tế. Mức độ thiệt hại có thể không lớn bằng kẹt xe nhưng chắc chắn không nhỏ.
AN NHIÊN