Đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO

Sẽ sớm ký thỏa thuận với Hoa Kỳ

Sẽ sớm ký thỏa thuận với Hoa Kỳ

Hôm qua 22-5, tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (tổ chức vào ngày 1 và 2-6 tại TPHCM), Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã dành cho báo giới một cuộc trao đổi khá cởi mở về quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

Sẽ sớm ký thỏa thuận với Hoa Kỳ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.

- Tại hội nghị lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ có ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ hay không, thưa Bộ trưởng?

- Sau khi kết thúc đàm phán, hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định của mỗi nước để có thể ký thỏa thuận kết thúc đàm phán trong tương lai gần. Hoa Kỳ đang chuẩn bị dư luận về phía họ. Về phía mình, Việt Nam đã bắt tay thực hiện một số công việc đã cam kết buộc phải triển khai ngay.

Sau khi về nước, hai bên đã trao đổi qua thư điện tử để thống nhất lại những điều khoản đã thỏa thuận và tiến trình trao đổi nhìn chung là thuận lợi . Tôi nói “nhìn chung” bởi cũng có một vài chi tiết cách hiểu giữa hai bên chưa thống nhất phải trao đổi lại. Tôi hoàn toàn có thể tin rằng có thể sớm ký được thỏa thuận nhưng tôi không thể khẳng định 100% là sẽ ký kết vào ngày nào vì quá trình trao đổi văn bản giữa hai bên vẫn đang diễn ra.

- Sau khi kết thúc đàm phán song phương, bao giờ Việt Nam sẽ tiếp tục vòng đàm phán đa phương và dự kiến thời điểm kết thúc vòng đàm phán này, thưa Bộ trưởng?

- Tiến trình đàm phán gia nhập WTO diễn ra trên 2 kênh: đàm phán song phương về tiếp cận thị trường và đàm phán đa phương. Có 28 nền kinh tế của WTO yêu cầu đàm phán song phương và có thể nói và lúc 3 giờ sáng 13-5, Việt Nam đã kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ và kết thúc đàm phán với 28 đối tác. Đàm phán đa phương chủ yếu liên quan đến vấn đề thực hiện các cam kết WTO. Việt Nam đã trải qua 12 phiên đàm phán đa phương và dự kiến sẽ có phiên tiếp theo vào tháng 7 tới để hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán gia nhập WTO. Tôi hy vọng phiên tháng 7 này sẽ là vòng đàm phán cuối cùng của Việt Nam.

- Vậy theo đánh giá của Bộ trưởng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì khi trở thành thành viên WTO?

- Nhìn một cách trực tiếp, cái mà người ta có thể “bỏ túi” ngay được, trong trường hợp của Việt Nam có thể có hai thứ: thứ nhất, bỏ quota dệt may cho các nước là thành viên WTO và thứ hai, các nước khác đã có nhưng Việt Nam vẫn chưa “bỏ túi” được, bởi Hoa Kỳ và một số nước khác chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ, nước nào cũng thế, trước mắt chỉ có hai lợi ích trực tiếp này. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là tạo ra hệ thống chính sách ổn định, minh bạch, tiên đoán được và do đó, thu hút được đầu tư nước ngoài.

- Bộ trưởng đã nói đến “cách tiếp cận cả gói”, vậy thì bao giờ Chính phủ công bố các nội dung đàm phán cho người dân và doanh nghiệp được biết?

- Cách tiếp cận trong đàm phán của Việt Nam là “tiếp cận cả gói”, vì vậy, không thể nói hết các phương án mở cửa của từng lĩnh vực và khi đã nói đến từng chi tiết thì sẽ không có được cái nhìn tổng thể bởi có những lĩnh Việt Nam mở cửa rất mạnh so với nước khác do có khả năng cạnh tranh. Nhưng tới đây, sau khi ký thỏa thuận kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ, chúng ta sẽ công bố toàn bộ các cam kết song phương với doanh nghiệp và người dân.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục