Sẽ “thanh lý” nhiều dự án bất động sản

(SGGP). – Ngày 25-10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện UBND TP Hà Nội và các bộ ban ngành liên quan đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Bắc. Tại buổi đối thoại này, lãnh đạo bộ và các doanh nghiệp bất động sản đều đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề nổi bật của thị trường hiện nay là phải rà soát lại các dự án, tìm cách khai thác quỹ đất trống và chuyển đổi quy hoạch các dự án.

(SGGP). – Ngày 25-10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện UBND TP Hà Nội và các bộ ban ngành liên quan đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Bắc. Tại buổi đối thoại này, lãnh đạo bộ và các doanh nghiệp bất động sản đều đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề nổi bật của thị trường hiện nay là phải rà soát lại các dự án, tìm cách khai thác quỹ đất trống và chuyển đổi quy hoạch các dự án.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tại Hà Nội hiện có khoảng 20.000 ha đất đã giao các doanh nghiệp nhưng phần nhiều chưa được khai thác. Trong đó, nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đầu tư hạ tầng… Theo gợi ý của bộ trưởng, nếu các dự án này không phải bức thiết, chỉ là dự án nhà ở đơn thuần sẽ dừng lại hoặc tạm dừng. Với các dự án đã đầu tư hạ tầng đề nghị điều chỉnh dự án theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở xã hội, không phải 20% như quy định có thể lên đến 100%. Với những căn hộ tồn kho, bộ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn điều chỉnh diện tích, chia nhỏ căn hộ như các doanh nghiệp phía Nam để có sản phẩm phù hợp khả năng thanh toán của người dân.

Tại cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc chuyển hướng các dự án sang làm nhà ở xã hội thay vì nhà ở thương mại, vừa giảm được chi phí đầu tư cho doanh nghiệp vì không phải nộp tiền sử dụng đất vừa điều chỉnh được cơ cấu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội.

Trước thắc mắc của các doanh nghiệp cho rằng không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất dù chỉ là tạm thời do vướng nhiều quy định trước đó. Bộ trưởng cho biết sẽ sớm phối hợp với TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách cho phép các chủ đầu tư khai thác tạm thời quỹ đất trống hiện có, có thể chuyển hướng canh tác hoặc tổ chức kinh doanh, sản xuất trong thời gian chờ được phép đầu tư.

Về ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh diện tích căn hộ theo hướng chia nhỏ sẽ vi phạm một số quy định, ví dụ, mỗi cầu thang máy chỉ đáp ứng tối đa cho 4 - 6 căn hộ, nay nếu chuyển thành 10 - 12 căn hộ có thể sẽ gây quá tải. Tương tự như vậy, việc chia nhỏ căn hộ có thể làm phá vỡ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được quy hoạch trước đó. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện số căn hộ đã hoàn thành đang tồn dư tại Hà Nội khoảng 2.400 căn, con số này không lớn và rải đều ở các khu đô thị, như vậy áp lực phá vỡ quy hoạch không phải lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải xem xét cụ thể số lượng căn hộ có thể chia nhỏ và xem xét hạ tầng xã hội cũng như kỹ thuật của khu vực đó để điều chỉnh cho hợp lý.

Bộ trưởng Xây dựng cam kết sẽ phối hợp với TP Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm đề xuất Chính phủ những chính sách tạo điều kiện doanh nghiệp bất động sản có thể nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tìm ra chính sách nhằm giảm thiểu thiệt hại của các nhà đầu tư trong trường hợp sau rà soát tổng thể quy hoạch sẽ phải dừng, tạm dừng dự án. 

B. QUYÊN

Tin cùng chuyên mục