(SGGP).- Ngày 31-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã thông báo các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời trả lời các câu hỏi phóng viên quan tâm.
Trả lời đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin giàn khoan Hải Dương 943 của Trung Quốc đang hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, bà Phạm Thu Hằng cho biết: “Theo thông báo của phía Trung Quốc, khu vực giàn khoan Hải Dương 943 của Trung Quốc đang hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang đàm phán để phân định. Vì vậy, các bên liên quan cần tránh các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, không có lợi cho việc đàm phán, phân định tại vùng biển này. Về phần mình, Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ về vụ việc này”.
Theo báo chí Trung Quốc đưa tin, cơ quan an ninh Trung Quốc vừa bắt giữ một nhóm buôn người đã đưa 108 người Việt Nam qua biên giới trái phép để làm lao động với mức lương rẻ mạt. Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thu Hằng cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) đã liên hệ và có công hàm gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để tiến hành bảo hộ công dân.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh cũng cho biết, các lao động trên đang bị tạm giữ tại Bằng Tường, Quảng Tây để phục vụ công tác điều tra. Họ được đối xử nhân đạo và sức khỏe bảo đảm. Sau khi sàng lọc và tìm ra được đối tượng chủ mưu, những người này sẽ bị phía Trung Quốc trục xuất và trao trả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Liên quan đến việc 25 thuyền viên Việt Nam bị bắt ở Malaysia vì nghi đánh cá trái phép, theo bà Phạm Thu Hằng, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang làm việc với các cơ quan chức năng trong nước và phía Malaysia để xác minh nhân thân, cũng như những thông tin liên quan đến vụ việc; đồng thời thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với các ngư dân Việt Nam.
Trả lời về việc Australia bắt hai tàu của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng thông tin, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, ngày 27-3-2016, hai tàu cá cùng 29 ngư dân Việt Nam đã bị phía Australia bắt giữ do vi phạm vùng biển của Australia. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã có công hàm gửi các cơ quan chức năng của Australia đề nghị đối xử nhân đạo với các ngư dân, đồng thời tạo điều kiện để đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Australia có thể tiếp xúc với các ngư dân Việt Nam, nhằm thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Về việc công an Trung Quốc bắt giữ hai nghi phạm liên quan đến vụ sát hại doanh nhân Hà Thúy Linh, theo bà Phạm Thu Hằng, ngày 30-3-2016, công an Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan chức năng của Việt Nam về việc ngày 23-3-2016, công an của Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt được hai đối tượng tình nghi là hung thủ cố ý gây ra thương tích, dẫn đến tử vong cho bà Hà Thúy Linh. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, xử lý và sẽ thường xuyên cập nhật thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
BẢO MINH