SEA Games 26 - Vui buồn với điền kinh

Lần đầu tiên tại một kỳ đại hội khu vực, điền kinh Việt Nam giành đến 9 tấm HCV. Người cũ thắng giải có, mà người mới xuất hiện và tạo nên bất ngờ cũng nhiều. Tuy nhiên, con số đó chưa thể trở thành thước đo và đáng được đánh giá là bước tiến vững mạnh của môn thể thao “nữ hoàng”.

Dương Văn Thái chung vui cùng Nguyễn Đình Cương trên đường chạy 800m. Ảnh: L.V.

Dương Văn Thái chung vui cùng Nguyễn Đình Cương trên đường chạy 800m. Ảnh: L.V.

Cứ cho là điền kinh Việt Nam thắng lớn ở Indonesia cũng được, mà bảo rằng chưa ổn về chất lượng cũng không sai. Thất bại ở 2 cự ly được trông đợi nhất là 100m và 200m nữ của nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương đã làm giảm đi rất nhiều giá trị của con số kỷ lục kể trên. Đấy là chưa kể, thông số thành tích ở nhiều nội dung rõ ràng không đạt yêu cầu.

Hương trắng tay ở 2 cự ly “ruột” mà 4 năm trở lại đây, chưa bao giờ Hương để thua đối thủ nào trong khu vực. Chấn thương đối với cô không phải là điều gì quá ghê gớm, vì năm 2008, Hương từng “dính đòn” nặng hơn năm nay rất nhiều. Thế mà, Hương vẫn trở lại mạnh mẽ, rồi tạo nên cú đột phá ngoạn mục ở đấu trường Asiad, trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương. HLV Nguyễn Đình Minh giải thích rằng Hương chỉ có chưa đầy 2 tháng để chuẩn bị tranh tài và điều đó là chưa đủ để cô tích lũy thể lực ở mức tốt nhất.

Sở dĩ nói đây là một kỳ đại hội thất bại về phương diện chuyên môn bởi thông số thành tích ở nhiều nội dung đoạt HCV của chúng ta không cao. Trương Thanh Hằng chỉ đạt 2’2"65 ở cự ly 800m, không phá được kỷ lục Đông Nam Á và cũng thêm một lần để vuột chuẩn B dự Olympic London 2012. Ai cũng hiểu, Thanh Hằng chưa cụ thể hóa được giấc mơ đến Olympic bằng cửa chính thức phần lớn là vì ở SEA Games 26, cô không có đối thủ xứng tầm, đủ sức để tạo nên sự cạnh tranh cần thiết trên đường đua. Hằng vẫn bảo vệ thành công 2 chiếc HCV 800m và 1.500m, nhưng hơi nuối tiếc với chính bản thân. Muốn đến Olympic London 2012, Hằng lại phải đợi…

Vũ Thị Hương trắng tay nhưng có nhiều gương mặt khác đã thể hiện khá tốt ở Indonesia. Đầu tiên, dĩ nhiên phải kể đến “người không phổi” Vũ Văn Huyện ở nội dung 10 môn phối hợp. Đấu trường Đông Nam Á giống như một kỳ tập huấn ngắn hơn là một cuộc tranh tài thực sự đối với anh, dù chính Huyện cũng thừa nhận thời của mình sắp hết. Đào Văn Cường thắng cự ly 400m rào, Trần Huệ Hoa vô địch nhảy 3 bước nữ, Dương Thị Việt Anh dẫn đầu nội dung nhảy cao nữ, Nguyễn Thị Thanh Phúc không có đối thủ ở nội dung 20km đi bộ, còn Nguyễn Trường Giang bất ngờ lên ngôi ở nội dung ném lao nam, Dương Văn Thái lấy HCV cự ly 800m nam.

4 trong số 9 tấm HCV mà điền kinh Việt Nam giành được tại Indonesia đều nhờ vào những VĐV lần đầu góp mặt. Lâu lắm rồi, đội tuyển lại kéo quân đến SEA Games đông đảo và nhiều kỳ vọng đến thế. Lâu lắm rồi, cảm giác chiến thắng lại ùa về liên tục như vậy.

Lâu lắm rồi, giới VĐV điền kinh khu vực buộc phải thận trọng mỗi khi đụng phải VĐV Việt Nam ở các nội dung thi đấu. Nhưng tiếc rằng, con số 9 HCV lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Ít nhất ở 3 kỳ SEA Games gần đây, các VĐV của chúng ta đã phá được kỷ lục Đông Nam Á. Nhưng năm nay thì không…

Việt Hùng

Ở nội dung 800m, chàng trai 19 tuổi Dương Văn Thái gây bất ngờ cho các đối thủ khi vượt lên về đích ở đường chạy 800m để mang về HCV. Nhưng đáng ngợi khen hơn chính là tuyển thủ lão làng Nguyễn Đình Cương. Chấp nhận từ bỏ mục tiêu giành HCV, anh âm thầm làm “mồi nhử” để khóa chân tốp VĐV mạnh, tạo cơ hội cho đàn em Văn Thái băng lên cán đích đầu tiên ở vòng chạy cuối cùng để giành tấm HCV. Ý chí và tinh thần đồng đội đã giúp Cương thực hiện đúng chiến thuật đề ra.

Tấm HCV nhảy cao nữ tại SEA Games 26 lần này của Dương Thị Việt Anh cũng là một bất ngờ. Càng ngỡ ngàng hơn khi cô gái người Bạc Liêu đang bị chấn thương ở cổ chân nhưng vẫn băng băng chạy đà và bật nhảy với quyết tâm cao nhất để giành HCV với thành tích 1m90. Đã rất lâu kể từ cú nhảy 1m94 của Bùi Thị Nhung năm 2005, điền kinh Việt Nam mới lại có một thành tích nhảy cao tốt.

Tường Huy

Tin cùng chuyên mục