Sen trên cổ vật

Sen trên cổ vật

(SGGPO).- Ngày 14-5, triển lãm chuyên đề “Sen trên cổ vật” khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Triển lãm nhằm giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa của biểu tượng hoa sen trong tâm thức của người Việt.

Sen là một loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết, cao quý, thanh tao. Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện; là trí tuệ, sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm. Trong tâm thức dân gian, sen được ví với những con người có vẻ đẹp cao quý, thâm trầm nhưng đầy bản lĩnh. Vì vậy, từ lâu sen đã đã đi vào cuộc sống và nghệ thuật của người Việt. Sen được dùng khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình, cách điệu trong trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình.

Với khoảng 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ VII - IX tới thời Nguyễn (1802 - 1945) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật” góp phần phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt.

Một số hiện vật được trưng bày tại triển lãm: 

 Tượng phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen. Gỗ sơn. Thời Lê Trung Hưng- TK XVII - XVIII

Lư hương hình sen, lá sen. Gốm men rạn- Lò gốm Bát Tràng (1907-1972)

 Đỉnh chạm hoa sen day cách điệu - TK XVII - XVIII

Trang trí kiến trúc hình hoa sen. Đất nung. Thời Lý TK XI -XIII


MAI AN

Tin cùng chuyên mục