Showbiz ngoại lai

Phim Việt hóa chiếm sóng từ màn ảnh nhỏ lên màn ảnh rộng. Truyền hình thực tế ngập tràn các phiên bản nước ngoài. 
Yêu đi, đừng sợ - dự án phim được Việt hóa từ Spellbound - Hàn Quốc
Yêu đi, đừng sợ - dự án phim được Việt hóa từ Spellbound - Hàn Quốc
Âm nhạc lai căng ngôn ngữ tây - ta từ tựa đề bài hát cho đến ca từ. Thực trạng “ngoại lai” dẫu là xu thế nhưng cần lắm việc ý thức giữ gìn bản sắc.   

Trào lưu Việt hóa phim ngoại quốc

Tính đến thời điểm này, bộ phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại Em là bà nội của anh được Việt hóa từ Miss Granny (Hàn Quốc). Trên các kênh sóng của VTV và HTV vào khung giờ vàng hiện có 4 bộ phim Việt hóa: Người phán xử, Gia đình là số 1, Gia đình vui nhộn, Sống chung với mẹ chồng. Trong khi đó, các gameshow và chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài con số cũng lên vài chục. Chỉ 3 dẫn chứng nói trên đủ thấy làng giải trí Việt, các yếu tố ngoại lai có mức độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng như thế nào. 

Ở lĩnh vực phim ảnh, trào lưu Việt hóa được xem là cứu cánh ở thời điểm hiện tại, sau khi phim điện ảnh trải qua một năm thất bát còn phim truyền hình vẫn mãi cảnh “chợ chiều” từ vài năm nay. Thực tế này đã tồn tại từ khá lâu, nhưng nay càng nở rộ hơn trong bối cảnh các nhà làm phim đau đầu về khâu kịch bản, mấu chốt đầu tiên của quá trình sản xuất phim. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng cảm thán rằng, kịch bản phim truyền hình hầu hết chạy theo các đề tài câu khách thay vì phản ánh hiện thực xã hội; bị ảnh hưởng phim nước ngoài về cách cư xử; cố tình kéo dài số tập để tìm kiếm quảng cáo... Đạo diễn Việt Linh thì ví von việc thiếu vắng các kịch bản hay giống như đi trên một con đường mà không có bản đồ, dù đi bằng phương tiện hiện đại. Thế cho nên, không lạ lẫm gì khi các nhà làm phim trong nước tìm đến các kịch bản ăn khách nước ngoài, có thể kể đến: Yêu (The love of Siam -  Thái Lan),  Bạn gái tôi là sếp (ATM Errak Error - Thái Lan) hay đang trong quá trình thực hiện là Yêu đi, đừng sợ (Spellbound - Hàn Quốc); Mối tình đầu của tôi (She was pretty - Hàn Quốc), dự án phim truyền hình tiếp theo đang được Việt hóa cũng nối dài trào lưu này.  

Trào lưu Việt hóa cũng ngập tràn các show thực tế, gameshow trải dài khắp các khung giờ trên các kênh sóng từ đài trung ương đến địa phương của các ngày trong tuần. Từ các cuộc thi về ca hát, thi tài năng, hài, nhảy múa...; từ các chương trình cho người lớn đến trẻ em hầu hết đều được mua bản quyền nước ngoài. Nếu thành công, các đơn vị tổ chức sẽ đầu tư cho những mùa tiếp theo và chẳng may thất bại, những phiên bản mới lại được ồ ạt nhập về. Trong bối cảnh đó, chỉ số ít các chương trình thuần Việt ra đời, số khẳng định được thương hiệu lại càng ít.  

Riêng ở lĩnh vực âm nhạc, hiện nay số lượng không nhỏ ca khúc mới ra đời chẳng ít thì nhiều đều được chêm vài câu tiếng nước ngoài, từ việc đặt tựa cho đến lồng ghép vài câu hát. Cứ một câu tiếng Việt, một câu tiếng Anh kiểu như: Sorry người hãy quay về, Baby i’m sorry again hãy thứ tha cho em; Nước mắt đó vẫn rơi vì em… Oh baby… No baby... vốn chẳng còn xa lạ. Xem ra, đây đã trở thành mốt của đa phần các ca sĩ nhạc trẻ hiện nay.  

Phải có bản sắc

Tại tọa đàm Sáng tác điện ảnh và truyền hình được tổ chức đầu tháng 4, GS-TS Trần Luân Kim khẳng định: “Phim Việt yếu nhất ở khâu kịch bản và chỉ một số ít tương đối tốt. Việc phải mua kịch bản của nước ngoài là thể hiện sự lúng túng”. Xu hướng Việt hóa dù đã có mặt ở Việt Nam từ hơn 10 năm trước, nhưng thiết nghĩ, chỉ nên xem nó là cứu cánh tạm thời, dù trào lưu này có những mặt tích cực nhất định: phim có doanh thu cao, được khán giả yêu thích, tạo nên bình luận đa chiều... Những thành công nói trên rất có thể khiến trào lưu Việt hóa sẽ bùng phát dữ dội nhưng cái gì nếu làm quá, đều gây tác dụng ngược. 

Dù các nhà làm phim đều cam kết cố gắng gìn giữ bản sắc, văn hóa dân tộc nhưng đã là phim Việt hóa, không thể nói đến tính thuần Việt 100%. NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng khẳng định: “Muốn hội nhập thế giới, phải có bản sắc riêng, có những phim Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước”. Đồng quan điểm đó, đạo diễn Lương Đình Dũng (phim Cha cõng con) với kinh nghiệm tham gia nhiều LHP quốc tế, cũng chia sẻ: “Nếu bắt chước cách làm phim nước ngoài, chúng ta chỉ đi loanh quanh. Cần tìm ra bản sắc riêng, mang phong cách Việt mới có thể đi xa”.

Bức tranh truyền hình thực tế cũng không tươi sáng hơn. Sự bùng nổ rồi bão hòa là xu thế tất yếu. Không thể phủ nhận, truyền hình thực tế đã giúp nhiều đơn vị sản xuất ăn nên làm ra, có doanh thu khủng, khán giả có nhiều lựa chọn giải trí... Nhưng, đã nhiều lần báo chí phản ánh những mặt trái của nó. Không thể cấm các phiên bản nước ngoài ồ ạt nhập về Việt Nam nhưng đã đến lúc cần sự sàng lọc kỹ lưỡng hơn từ chính bản thân những nhà sản xuất. Mặt khác, các chương trình thuần Việt đề cao tính nhân văn và ý nghĩa càng cần được khuyến khích nhiều hơn, vì nó tạo nên những giá trị cho xã hội, thay vì chỉ giải trí đơn thuần. 

Và cuối cùng, việc đặt tên các ca khúc bằng tiếng nước ngoài liệu có làm sang cho ca khúc? Chêm vài câu tiếng Anh vào bài hát, cứ cho đó là cách làm hợp mốt, thời thượng, dễ hát... nhưng cũng chẳng nên cổ súy bởi ngôn ngữ tiếng Việt đã quá phong phú và dư sức giúp tác giả thể hiện ý đồ sáng tác của mình. Nhạc sĩ Đức Trí và Hà Quang Minh trong ca khúc Thương ca tiếng Việt đã viết: Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắt son, đó có lẽ là lời nhắc nhở ngắn gọn nhưng nội hàm đủ sâu sắc.

Tin cùng chuyên mục