Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo nghị định thay thế Nghị định 23/2007.
Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ trong nước phát triển; chấn chỉnh các địa phương tuân thủ quy định liên quan trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý đề nghị của Bộ Công thương về việc xây dựng quy định cho phép DN trong nước được giãn tiến độ nộp tiền thuê đất trong trường hợp thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị.
Các địa phương liên quan quán triệt chủ trương hỗ trợ phát triển DN và mạng lưới phân phối, bán lẻ trong nước thông qua việc bố trí quỹ đất, mặt bằng dành cho hoạt động phân phối, nhất là đối với DN trong nước; quản lý chặt chẽ việc phát triển mạng lưới bán lẻ của DN FDI theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc áp dụng thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).
Thực tế công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước vừa qua cho thấy, nhận thức của các bộ, ngành và địa phương về việc mở cửa thị trường chưa thực sự thống nhất; việc thực hiện thủ tục ENT ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng; việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của DN FDI chưa hiệu quả, chưa có các biện pháp hỗ trợ hợp lý để DN trong nước phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để rà soát, hoàn chỉnh dự thảo nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nghị định thay thế Nghị định 23/2007), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 1-2017. Cụ thể, bổ sung nguyên tắc xem xét, cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa hoặc hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, thực hiện quyền phân phối bán lẻ tại Việt Nam trong trường hợp chưa cam kết hoặc mở rộng hơn, nhanh hơn so với cam kết quốc tế theo hướng không nới lỏng hơn các điều kiện, mở rộng hơn, sớm hơn cam kết quốc tế; chỉ xem xét, cho phép vượt cam kết đối với trường hợp thật sự mang lại lợi ích đáng kể cho ta và quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá lợi ích này (như về việc làm, thu nhập cho người lao động, không tạo bất lợi đối với DN trong nước…). Hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán lẻ những mặt hàng ta không cam kết. Việc xem xét, cấp phép cần gắn với việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Bổ sung quy định kiểm soát đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thành lập, góp vốn, mua lại các tổ chức kinh tế hoạt động bán lẻ tại thị trường trong nước; bổ sung quy định về quản lý, thành lập cơ sở bán buôn hàng tiêu dùng.
Thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có nhiều tiềm năng, được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm, có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết, định hướng lĩnh vực sản xuất. Trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường, lĩnh vực phân phối, bán lẻ luôn là lĩnh vực nhạy cảm và được mở cửa theo lộ trình và Việt Nam đã giữ được một số biện pháp quản lý, kiểm soát nhất định.
Kim Chung