Cuộc cách mạng công nghệ thông tin trên toàn thế giới khiến nhu cầu tương tác thông qua mạng xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dùng còn chủ quan, không lường hết những tác động tiêu cực từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu, đã sử dụng tới biện pháp siết chặt quản lý thông tin trên mạng xã hội, để ngăn chặn thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến người sử dụng và đảm bảo lợi ích kết nối mà mạng xã hội mang lại.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các biện pháp trong khuôn khổ kế hoạch hành động nhằm chống lại tình trạng bóp méo thông tin trước thời điểm cuộc bầu cử toàn EU sẽ diễn ra vào mùa xuân tới. Theo kế hoạch, bầu cử nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5 năm sau, trong khi một loạt nước gồm Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Ukraine cũng dự kiến tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2019. Châu Âu muốn ngăn chặn nguy cơ can thiệp bầu cử sau khi có những cáo buộc liên quan đến việc can thiệp bầu cử tổng thống tại Mỹ và cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Theo kế hoạch này, từ tháng 1-2019 đến tháng 5-2019, các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook, Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác phải gửi báo cáo hàng tháng về việc cập nhật tiến trình trong hoạt động loại bỏ tin tức giả. Ngoài ra, EU còn xây dựng một hệ thống cảnh báo nhanh mới, với việc tăng cường ngân sách và bổ sung đội ngũ chuyên gia và các công cụ phân tích dữ liệu thông tin. EU còn cảnh báo các hãng công nghệ cần chứng minh các tiến bộ thực sự trong việc thực hiện các cam kết của mình. Nếu không, giới chức châu Âu sẽ có thể phải xem xét các lựa chọn khác, bao gồm cả chế tài về luật pháp. Theo bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, nhiệm vụ của EU là bảo vệ một môi trường mạng trong lành và EU không cho phép thông tin thù hận, kích động bạo lực làm khuấy động dư luận ở khu vực này.
Giới chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng phản ứng của giới chức EU trong bối cảnh khi tin giả, tin kích động bạo lực được lan truyền một cách khó kiểm soát như hiện nay là cần thiết. Từ đầu năm 2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các công ty công nghệ, cũng như các công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, soạn thảo các quy tắc hoạt động hoặc phải đối mặt với vấn đề pháp lý nếu không thể dỡ bỏ các nội dung sai lệch hoặc trái pháp luật. Riêng ở Đức và Pháp, 2 quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống tin giả, đã ban hành các quy định nhằm đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh cho người dùng. Đức còn ban hành luật quy định tội phạm hóa một số loại phát ngôn, trong đó có phát ngôn gây kích động bạo lực tôn giáo và chủng tộc. Trước sức ép của giới lãnh đạo châu Âu, Facebook, Google và một số công ty công nghệ đã ban hành quy tắc hoạt động chống tin giả và nâng cấp kế hoạch kiểm soát thông tin tiêu cực bằng việc chi hàng triệu USD và đưa hàng ngàn nhân viên tham gia cuộc chiến chống tin tức giả, tuyên truyền sai lệch và gây hận thù. Google còn thắt chặt các yêu cầu về quảng cáo chính trị ở EU, nhất là đòi hỏi thông tin về người trả tiền quảng cáo và cho phép người dùng xác minh danh tính của họ.