Sau một thời gian bùng phát, ứng dụng thoại, nhắn tin miễn phí trên nền Internet (gọi tắt là OTT), đến nay, thị trường trong nước đang dẫn đầu với Zalo, Viber… OTT đã trở thành một phương thức liên lạc từ mới mẻ trở thành thân quen của hàng chục triệu người dùng vì tính tiện ích của nó. Và hiện nay, vấn đề quản lý OTT tiếp tục được đặt ra.
Với người dùng smartphone hiện nay, OTT là một trong nhiều ứng dụng không thể thiếu. Ảnh: T.BA
Cuộc chiến khẳng định
Không nói đâu xa, hồi đầu năm nay, cuộc chiến lôi kéo người dùng của các nhà phát triển OTT trong và ngoài nước tại thị trường Việt Nam vẫn đầy cam go với cái tên như Zalo, Viber, WhatsApp, Line… Nhưng đến nay, thị phần OTT xem như đã phân định và chỉ còn lại vài ba tên tuổi. Cần thấy rằng sau khi KakaoTalk giã từ cuộc đua OTT tại Việt Nam, thị trường này chỉ còn 3 tên tuổi lớn là Zalo, Viber và Line. Zalo tiếp tục đầu tư vào tin nhắn nhanh, ổn định và mới nhất trong tuần vừa qua Zalo công bố đã có 20 triệu người dùng, trước đó Viber cho biết họ cũng có 12 triệu khách hàng tại Việt Nam.
So với các OTT khác, Line là ứng dụng thương mại hóa khá sớm. Line được thiết kế linh động khi người dùng Line có thể chơi game, mua sticker…Nhưng sớm chưa chắc đã thắng vì trong suốt gần 2 năm gần đây, Line hầu như không công bố số lượng người dùng cũng như lượt tin nhắn hoạt động mỗi ngày nên xem ra Line ngày càng vắng bóng. Trong khi đó, ra mắt cuối năm 2012, Zalo được người dùng ưa chuộng vì khả năng đảm bảo liên lạc nhanh, ổn định. Ứng dụng liên tục chiếm vị trí dẫn đầu các bảng xếp hạng iOS, Android, Nokia và Windows Phone. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đã dùng Zalo như một công cụ quảng bá và tuyên truyền cho các hoạt động kinh tế, xã hội. Ngoài việc được Văn phòng Chính phủ chọn làm kênh truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cũng sử dụng Zalo làm cầu nối để cộng đồng gửi những lời nhắn động viên đến nhân dân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Nhiều nhãn hàng như McDonald’s, Coke, Redbull…cũng chọn Zalo làm kênh tiếp cận khách hàng. Có thể nói, đây là lợi thế sân nhà của Zalo, hay nói cách khác VNG quyết tâm đeo bám thị trường OTT suốt thời gian qua.
Viber có khách hàng trung thành với nhóm người trung niên nên cũng âm thầm thể hiện vai trò của nó trong thị trường OTT nên không ít người vẫn còn dùng nó là điều đương nhiên. Song ở đây cần nhắc đến Facebook Messenger cũng có thể xếp vào nhóm OTT “đáng gờm” nhất hiện nay nhờ sự kết nối với người dùng Facebook. Những số liệu thống kê cho thấy hiện có khoảng 20 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa với nhiêu đó người dùng Facebook Messenger…
Đến lúc vì lợi ích lớn hơn
Với những lợi ích mang lại cho người dùng thì các vấn đề khác từ OTT cũng đặt ra như tin nhắn rác xuất hiện tràn lan, quảng cáo cho đủ loại hình dịch vụ…gây phức tạp đối với cơ quan quản lý, đặc biệt rất khó quy trách nhiệm cho doanh nghiệp nội dung hay nhà mạng, hay cho nhà cung cấp dịch vụ OTT.
Chính vì thế, những nội dung tại dự thảo thông tư quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng OTT mà Bộ Thông tin - Truyền thông đang lấy ý kiến cho thấy dịch vụ OTT tại Việt Nam sẽ chịu nhiều kiểm soát hơn. Dự thảo này quy định, các nhà cung cấp OTT trong nước và nước ngoài không thu cước và có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng phải thông báo với Bộ TT-TT 10 ngày làm việc trước khi cung cấp dịch vụ. Không chỉ vậy, các nhà cung cấp OTT nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông. Dự thảo thông tư cũng chỉ rõ, nhà cung cấp OTT có thu cước và không thu cước có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng cũng phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền… Ở đây thấy rõ các doanh nghiệp cung cấp OTT tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm cụ thể với sản phẩm và khách hàng của mình.
Dự thảo này cũng quy định rõ các OTT phải “liên kết” với các nhà mạng. Cụ thể, dự thảo, doanh nghiệp cung cấp OTT có thu cước phải tuân thủ các quy định về quản lý giá cước như với dịch vụ viễn thông truyền thống, đồng thời phải tuân thủ việc quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông theo quy định. Đồng thời, được đàm phán, kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất để cung cấp dịch vụ OTT… Đây là điều mà OTT và nhà mạng đều mong muốn để đi đến sự thống nhất cùng phát triển. Hơn nữa, OTT là ứng dụng khiến nhà mạng đau đầu nhất vì nó ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng và càng nghiêm trọng hơn khi OTT càng được người dùng ủng hộ vì tính tiện dụng và “miễn phí” của nó.
Qua đây thấy rõ, cơ quan quản lý nhà nước muốn siết chặt quản lý OTT. Đây là điều cần thiết vì những mục đích quản lý xã hội được tốt hơn. Nhưng cũng có thể thấy rằng, quản lý OTT cần những cách làm linh động, đặc biệt là sự hợp tác của OTT với nhà mạng để OTT phát triển vì đây là những ứng dụng mang lại lợi ích thiết thực, là xu hướng giao tiếp của xã hội ngày nay. Đây cũng là điều mà dự thảo cần có những hướng gợi mở hơn qua những quyết định sau này…
BÁ TÂN