Lâu nay, ở nước ta đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đối với du khách tham gia du lịch mạo hiểm. Như vụ một sinh viên 20 tuổi bị mất tích khi đang tham gia chuyến leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, rồi vụ một du khách nước ngoài tự thuê xe máy đi phượt khám phá vùng Tây Bắc, sau đó người ta phát hiện thi thể người này ở một vùng sạt lở… Thế nhưng, với cái chết của 3 du khách người Anh khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác Datanla (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) vào ngày 26-2 đã khơi lại vấn đề an toàn du lịch cho du khách, đặc biệt trong loại hình du lịch mạo hiểm. Vì không mua vé và không sử dụng các thiết an toàn do đơn vị quản lý cung cấp nên khi xảy ra sự cố, du khách đã không được đảm bảo an toàn tính mạng.
Ngày nay, du lịch mạo hiểm được phát triển rất mạnh trên thế giới, lượng du khách nước ngoài tham gia du lịch khám phá tại Việt Nam cũng ngày càng đông. Thế nhưng, việc tổ chức loại hình này ở Việt Nam chỉ mới manh nha, chưa chuyên nghiệp và gặp quá nhiều lỗ hổng.
Còn nhớ, vụ tại nạn xảy ra đối với nữ du khách khi chơi trò đu dây qua sông tại một khu du lịch ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị đứt dây cáp rơi xuống nước khiến du khách này chết ngạt do không cứu hộ kịp thời. Vụ việc đã bị phản ứng gay gắt vì cơ sở vật chất của trò chơi mạo hiểm không đảm bảo chất lượng, không được kiểm định an toàn; đội ngũ cứu hộ không chuyên nghiệp, cứu hộ chậm chỉ vì lý do ngớ ngẩn là… không khởi động được ca nô! Vụ việc thương tâm này đã cho thấy công tác quản lý ở loại hình du lịch mạo hiểm của chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp, đội ngũ nhân sự phục vụ cho hoạt động cứu hộ chưa được đào tạo bài bản.
Với tài nguyên thiên nhiên và địa hình độc đáo, Việt Nam có nhiều thác, hồ, biển, núi, hang động có thể phát triển du lịch mạo hiểm, thu hút lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài, như: du lịch vượt thác, leo núi, khám phá Fansipan, khám phá động Phong Nha - Kẻ Bàng - nơi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Điều đó đồng nghĩa với đòi hỏi về công tác quản lý phải chuyên nghiệp và vấn đề an toàn cho du khách phải được cơ quan chức năng can thiệp. Khi cơ quan quản lý nhà nước đi trước một bước sẽ hạn chế được du lịch mạo hiểm tự phát, giảm thiểu rủi ro về tính mạng, sức khỏe cho du khách. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Tổng Cục Du lịch phải sớm ban hành các quy định về chất lượng cơ sở vật chất tại các điểm tổ chức trò chơi, mô hình du lịch có tính mạo hiểm; đào tạo đội ngũ nhân viên cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, đảm bảo hoạt động phối hợp trong cứu hộ, cứu nạn phải kịp thời…
Trước mắt, hàng trăm hệ thống cáp treo, máng trượt, dây vượt thác phải được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra thường xuyên, quy định thời hạn kiểm định liên tục để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, Nhà nước phải có quy định các khu khách sạn, resort gần biển phải có ca nô, nhân viên cứu hộ đã qua đào tạo là một trong những điều kiện để hoạt động. Đối với các bãi biển công cộng thì cơ quan quản lý du lịch địa phương phải bố trí nhân viên cứu hộ… Làm tốt công tác quản lý du lịch không chỉ góp phần làm tăng GDP, mà trên hết, là bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
HÀN NI