Ngày 23-12, Bộ TT-TT đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 2017 và tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới”. Tại đây, các vấn đề như quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý hoạt động báo chí, cấp phép mạng xã hội, trang thông tin điện tử… đã trở thành tâm điểm.
Không quản lý được, sẽ xử lý người đứng đầu
Năm 2016 là năm Bộ TT-TT tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông và quản lý thuê bao di động trả trước; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động tăng cường quản lý việc mua bán, lưu thông SIM di động. Qua việc tập trung chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, đã có khoảng 10,7 triệu thuê bao bị khóa dịch vụ, thu hồi và dự kiến tổng cộng sẽ có khoảng 15 triệu SIM kích hoạt sẵn bị khóa và thu hồi.
Ý kiến của các địa phương cho biết, ở các địa phương, còn nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ. Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Quốc Cường cho biết, vấn đề phối hợp giữa Sở TT-TT với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn còn nhiều bức xúc. Khi phát hiện sai phạm, hầu như các chi nhánh không làm gì cả, đẩy trách nhiệm lên trên. Khi Sở làm việc thì các doanh nghiệp luôn dây dưa, không có trả lời cụ thể, nhất là trong vấn đề xử lý SIM rác, quản lý thuê bao trả trước. Với vấn đề quản lý thông tin xuyên biên giới, ông Cường cho rằng cần làm chặt chẽ; nhất là sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, giữa địa phương, trung ương và các doanh nghiệp để đạt kết quả tốt nhất. Cần tập trung ứng dụng CNTT để quản lý và truy xuất nguồn gốc những thông tin sai trái, xâm phạm đến an ninh, trật tự xã hội. Việc cấp phép trang thông tin điện tử, mạng xã hội như hiện nay rất khó để quản lý; cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì sẽ hợp lý và hiệu quả hơn. Đây cũng là những ý kiến được đại diện Sở TT-TT các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Ninh, Thanh Hóa... đồng tình và kiến nghị Bộ sớm có những giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đồng tình với ý kiến của các địa phương và cho rằng, trách nhiệm chính trong việc xử lý SIM rác là của các doanh nghiệp viễn thông di động. Thời gian qua, đã làm quyết liệt, nhưng sắp tới Bộ TT-TT sẽ làm mạnh hơn.
Tăng cường hậu kiểm, ủng hộ các cơ quan báo chí lành mạnh
Về công tác quản lý báo chí, Bộ TT-TT đã tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ quan báo chí đưa tin, bài sai sự thật, xa rời tôn chỉ, mục đích, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, gây bức xúc trong xã hội; phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời những thông tin sai sự thật, chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Về hoạt động báo chí ở các địa phương, hầu hết các địa phương cho biết đều lúng túng với quản lý hoạt động phóng viên thường trú của nhiều báo trên địa bàn, nhiều phóng viên hoạt động không có thẻ nhà báo. Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, vấn đề quản lý văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, các sở TT-TT địa phương căn cứ theo Luật Báo chí, nếu không đủ điều kiện thì không cho phép hoạt động. Hồ sơ thành lập văn phòng phải gửi UBND địa phương xem xét, phê duyệt. Thời gian qua Cục Báo chí đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề này và sắp tới sẽ có chế tài cụ thể hơn.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, từ ngày 1-1-2017, Luật Báo chí sẽ có hiệu lực. Các văn bản, thông tư đi kèm cũng sẽ sớm được ban hành. Vì thế, hoạt động báo chí sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Bộ TT-TT sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên hoạt động đúng pháp luật. Đối với việc quản lý game online, mạng xã hội và trang thông tin điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, sắp tới sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp phép, đồng thời tăng cường hậu kiểm. Từ đó tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp nội. Nếu không làm vậy, vô hình chung sẽ bảo hộ ngược; gây khó dễ cho doanh nghiệp trong nước. “Bộ TT-TT khuyến khích cộng đồng mạng tuyên truyền những cái hay, cái tốt của đất nước, con người Việt Nam; hạn chế những tiêu cực, cái xấu; góp phần đẩy lùi những luồng thông tin sai trái, bịa đặt. Tập trung bảo vệ, ủng hộ những cơ quan báo chí, nhà báo trong sạch, làm tốt; phê phán cơ quan báo chí, nhà báo sai trái”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết.
Ngành TT-TT phải tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ TT-TT ngày 23-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành TT-TT phải tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Phó Thủ tướng, vai trò tiên phong trong đổi mới ứng dụng công nghệ là truyền thống của ngành TT-TT từ trước tới nay. Ngành Bưu điện trước đây do đặc tính liên quan đến khoa học công nghệ và quản trị đã đặt ngành vào thế phải tự đặt mình vào vai trò đi đầu. Ngành Bưu điện luôn đi đầu trong đổi mới, trong chiến tranh cũng phải thử nghiệm những thứ có trước để ứng dụng vào thực tiễn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện nay, lĩnh vực CNTT ngày càng thể hiện rõ vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế điều hành đất nước. Chính phủ đã đặt mục tiêu năm 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp tăng gấp đôi so với hiện nay. |
TRẦN LƯU