(SGGPO).- Chiều 18-7, trước cơn bão số 2 mạnh cấp 15 tương đương với siêu bão sắp đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Bắc, Bộ trưởng Bộ NN& PTNN Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc và kiểm tra tại tỉnh Quảng Ninh về phòng chống bão. Đây là địa phương được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão, với tâm bão dự báo là Móng Cái.
Theo ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đi cùng đoàn công tác cho biết, so với buổi sáng, tới 14 giờ chiều 18-7, bão số 2 đã tăng lên 1 cấp, thành cấp 15. Quảng Ninh dự kiến là tỉnh sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bão và khi đổ bộ vào đầu giờ sáng mai 19-7, cấp bão khi vào đất chỉ giảm 1- 2 cấp nên rất mạnh. Khi đi vào đất liền, hướng bão di chuyển xuyên Tây Bắc, nên lượng mưa sẽ nhiều hơn, khoảng 400- 500 mm. Sóng biển ở ven bờ cao từ 5-6 mét nên rất nguy hiểm với đê biển. Lượng mưa ở Quảng Ninh dự kiến cũng từ 300 - 400 mm.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh đang dồn hết sức, huy động mọi lực lượng để phòng chống bão. Tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống các địa phương để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống. Chúng tôi cùng với việc kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ nhanh chóng về nơi trú bão an toàn thì toàn bộ người dân tại các khu nuôi trồng thủy sản cũng được yêu cầu lên bờ, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ. Yêu cầu toàn bộ hồ chứa nước đều phải tháo nước đệm. Chỉ đạo Tập đoàn than kiểm tra toàn bộ bãi thải, nhất là ở Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Mạo Khê để phòng chống sạt lở. Ngay trong chiều 18-7, tất cả lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đều xuống dưới các huyện để chỉ đạo và hỗ trợ người dân chống bão.
Tính đến 15 giờ ngày 18-7, tại Quảng Ninh, tất cả 229 tàu đánh bắt xa bờ đều đã về nơi trú bão. Với số tàu đánh bắt gần bờ đã có trên 6.664 chiếc vào khu neo đậu trú bão. Tất cả các tàu du lịch cũng đã về nơi tránh trú an toàn. Quảng Ninh đã sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và lồng bè nuôi trồng thủy sản với 1.618 hộ, 2.513 khẩu, trong đó tại TP Hạ Long đã đưa 324 hộ ở khu làng chài lên bờ tại phường Hà Tu, còn 31 hộ được lực lượng chức năng vận động và đã cưỡng chế để đưa lên bờ an toàn. Tỉnh cũng đã lập 3 sở chỉ huy tiền phương ở Hạ Long, Móng Cái và Quảng Yên. Đồng thời huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ người dân phòng chống bão.
Trước nguy cơ siêu bão số 2 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Quảng Ninh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đây là một cơn bão rất mạnh và phức tạp. So với sáng 18-7 đến chiều bão đã mạnh thêm một cấp và dự báo khi vào bờ sức gió mạnh giật tới cấp 14-15 là rất nguy hiểm cho người dân và các công trình, có thể thổi sập nhà cấp 4. Phải tuyên truyền tới tận từng khu phố để tới tối 18-7 phải di dời hết người dân tới những nhà mái bằng, trường học. Đối với các khu dân cư gần mép nước cũng phải sơ tán ngay vì sóng to, nước sẽ dâng rất cao.
Ngoài ra đáng lưu ý, hiện ở Quảng Ninh vẫn còn 232 khách du lịch đang lưu trú tại các đảo Cô Tô, Quan Lạn và Minh Châu, trong đó đảo Cô Tô còn 99 khách du lịch Việt Nam; tại đảo Quan Lạn còn 126 khách du lịch quốc tịch Hà Lan, 1 khách quốc tịch Pháp và 1 khách quốc tịch New Zealand. Số khách này không muốn thay đổi chương trình du lịch và phần lớn là do hiếu kỳ, muốn trải nghiệm đón bão Rammasun - bãoThần Sấm tại đảo.
Trước tình hình trên, các địa phương đã kiểm tra và bố trí cho khách lưu trú tại các nhà nghỉ, khách sạn kiên cố, Đồng thời có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách. Đối với khách du lịch đến Hạ Long nhưng không được thăm vịnh và không được nghỉ đêm trên vịnh, nếu có nhu cầu ở lại Hạ Long, ngành Du lịch đã bố trí thay thế bằng việc cho nghỉ lại các khách sạn trên bờ, thực hiện các chương trình city tour thăm quan các điểm du lịch trong thành phố và các điểm vui chơi giải trí.
KHÁNH NGUYỄN - VĂN PHÚC