Ngày 22-3, Sihub (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đã giới thiệu chương trình hoạt động “Sihub 2020 - Hướng đến kết nối toàn cầu” với 10 trụ cột lớn gồm: Global Partnerships (Đối tác toàn cầu), Global Strategic Alliances (Liên minh chiến lược toàn cầu), Global Events (Các sự kiện toàn cầu), Global Education (Giáo dục quốc tế), Global Research (Nghiên cứu quốc tế), Global Entrepreneurship (Doanh nhân quốc tế), Global Social Impact (Tác động xã hội quốc tế), Global Culture (Hội nhập văn hóa quốc tế), Global Policy (Chính sách quốc tế) và Global Think Tank. Trong đó, việc liên kết với các đối tác quốc tế, các hệ sinh thái KN - ĐMST phát triển trên thế giới sẽ được Sihub thực hiện xuyên suốt nhằm đưa Sihub trở thành một hệ sinh thái KN - ĐMST hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Sihub tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế
Việc xây dựng chiến lược “Sihub 2020” và tạo ra các hoạt động liên kết, kết nối hỗ trợ KN-ĐMST như Sihub đề ra trong kế hoạch này là khá nhiều. Tuy nhiên, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub, chia sẻ rằng tầm nhìn “Sihub 2020” là rất rõ ràng, bởi trên thế giới, các hệ sinh thái KN - ĐMST có nhiều giai đoạn. Vòng đời thứ nhất là hình thành, kiến tạo. Sihub đã giải quyết xong chuyện này khi năm 2015, Chính phủ phát động chương trình Quốc gia khởi nghiệp. Sihub với vai trò định hướng, kết nối và triển khai các hoạt động với sự tham gia của nhiều thành phần như trường phổ thông, trường đại học, nhà đầu tư, nhà cố vấn, doanh nghiệp, vườn ươm… đã góp phần xây dựng TPHCM trở thành khu vực có phong trào KN - ĐMST sôi nổi nhất. Chính vì thế đến năm nay, Sihub bước qua giai đoạn 2 của hệ sinh thái khởi nghiệp, đó là hội nhập toàn cầu. Tất cả hoạt động của giai đoạn này phải nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM và Việt Nam hội nhập với các hệ sinh thái tiên tiến của thế giới.
Cũng theo ông Huỳnh Kim Tước, trước đây và hiện nay, Việt Nam vẫn có hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác trong thời gian qua là nước ngoài đến Việt Nam với mục tiêu giúp đỡ, hỗ trợ, nâng cấp... Chúng ta cũng có đề xuất ý kiến của mình và hợp tác theo mục tiêu của từng giai đoạn khác nhau. “Còn giai đoạn này là hội nhập, tức Việt Nam đã có vị thế như nước chủ nhà, mời nước ngoài đến hợp tác, chia sẻ những định hướng, mục tiêu của mình. TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung muốn làm gì, muốn phát triển ra sao thì sẽ tạo ra những chương trình và mời nước ngoài đến để cùng chia sẻ, giải quyết. Đó chính là giai đoạn chuyển mình từ bị động sang chủ động”, ông Tước nhấn mạnh.
Chính vì tầm nhìn và quyết tâm “kết nối toàn cầu” đó, từ cuối năm 2017 đến nay, toàn thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Sihub đã hoạt động hết công suất để mời được một ban cố vấn “đầu não” gồm 11 vị là tổng giám đốc các tập đoàn, nhà đầu tư, giáo sư, chuyên gia hàng đầu của các tập đoàn thế giới đóng vai trò như những “bộ não” giúp Sihub kết nối nhanh, sâu rộng, trực tiếp với các hệ sinh thái tiên tiến trên thế giới.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT của Retail & Franchise Asia, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn chương trình “Sihub 2020”, nhận xét Sihub đang có tầm nhìn đúng khi đặt mình vào dòng chảy hội nhập quốc tế.
Rõ ràng với tầm nhìn “Sihub 2020 - Hướng đến kết nối toàn cầu”, Sihub đang trang bị cho mình chiếc áo mới và tự tin hướng về doanh nghiệp, cộng đồng, cùng nhau bước ra sân chơi quốc tế.