Singapore - Sức mạnh “mềm” của PAP

Dấu ấn Lý Quang Diệu
Singapore - Sức mạnh “mềm” của PAP

Không phải ngẫu nhiên đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền tại Singapore từ năm 1959 tới nay. Dưới sự điều hành của các chính phủ do PAP lãnh đạo, nền kinh tế Singapore đã đạt được những thành quả quan trọng như ngày nay. Kỳ tổng tuyển cử lần này, ngày 7-5-2011, PAP vẫn chiếm ưu thế nhưng họ đang đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa thật sự thoát khỏi khủng hoảng.

Thủ tướng Lý Hiển Long trong ngày bầu cử.

Thủ tướng Lý Hiển Long trong ngày bầu cử.

Dấu ấn Lý Quang Diệu

Bộ trưởng Cố vấn của Singapore, ông Lý Quang Diệu, vừa tái đắc cử vào Quốc hội nước này ở tuổi 88. Có thể nói dù đã nhiều năm lui vào hậu trường để làm cố vấn nhưng dấu ấn Lý Quang Diệu, người được xem có công lớn đưa Singapore phát triển như ngày nay, vẫn còn rất đậm nét trong chính sách cầm quyền của PAP. Đó là một trong những lý do đa số người dân Singapore vẫn ủng hộ PAP.

Thế nhưng ông nghị lớn tuổi nhất thế giới, dù biết sức ảnh hưởng của mình, vẫn khiêm tốn khẳng định sở dĩ PAP có uy tín trong nhân dân là nhờ những chính sách chăm lo cho dân và đặc biệt đã thành công trong việc mang thành tựu của tăng trưởng kinh tế chia cho người dân. Trong thời buổi “gạo châu củi quế” hiện nay, nghị sĩ Lý Quang Diệu vẫn khẳng định việc quan trọng nhất hiện nay là lo cho người dân. Ông cho rằng chính phủ do PAP lãnh đạo hiện nay đã đưa ra hàng loạt các biện pháp giúp dân, trong đó có chế độ tiền thưởng, trợ cấp cho người thu nhập thấp, an sinh xã hội và nhiều vấn đề khác.

Ông nhấn mạnh, những biện pháp này thực hiện được chỉ khi đất nước có tốc độ tăng trưởng khá và một đất nước muốn phát triển lâu dài cần phải có một nền sản xuất mạnh, chứ không nên chỉ dựa vào phát triển dịch vụ. Nhiều người lầm tưởng kinh tế Singapore chủ yếu phát triển dịch vụ. Theo ông đó là sai lầm. Thực tế, bên cạnh phát triển dịch vụ, quốc đảo sư tử vẫn phát triển mạnh nền sản xuất công nghiệp. Vì vậy ông đã bác bỏ đề nghị của một quan chức cho rằng Singapore nên từ bỏ sản xuất để chỉ tập trung vào dịch vụ. Ông Lý nói: “Nếu bạn không sản xuất, bạn sẽ gặp nhiều nan giải về việc làm. Một nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào dịch vụ thôi sẽ rất dễ suy yếu và dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao một khi dịch vụ mất giá. Sản xuất sẽ vững bền hơn”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal mới đây, ông Lý cho biết, Singapore phải tìm cách cân bằng giữa việc sử dụng đồng tiền mạnh của mình để chống lạm phát trong khi vẫn duy trì cạnh tranh về xuất khẩu. Ông chỉ ra những khó khăn trong chính sách tiền tệ khi Mỹ in thêm USD và tăng vay mượn đã làm suy yếu USD và đẩy nhanh lạm phát toàn cầu. “Khi các nước mượn bằng USD họ phải trả bằng USD, còn khi Mỹ vay mượn bằng USD, đến lúc trả họ chỉ việc in thêm tiền”, ông Lý nói.

Một đảng cầm quyền vẫn tốt

* Hãng tin CNA của Singapore dẫn kết quả bầu cử sơ bộ cho biết, Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền ở Singapore đã giành đa số áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 7-5 khi  giành được 81/87 (đã tính luôn 5 ghế đương nhiên) ghế Quốc hội, trong khi Đảng Công nhân giành được 6 ghế, số ghế nhiều nhất mà phe đối lập có được kể từ khi nước này giành độc lập năm 1965. Đây được xem là cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao nhất với việc PAP đối mặt với số lượng đối thủ nhiều nhất từ trước đến nay. Ở lần bầu cử này, PAP giành được 60,4% tổng số phiếu bầu so với 67% ở lần bầu cử năm 2006.

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu sau khi có kết quả cho rằng đây là cuộc bầu cử lịch sử diễn ra trong bối cảnh “một thế giới và một Singapore rất khác biệt so với 5 năm trước”. Ông cho biết chính phủ đã lắng nghe những lời than phiền và nỗi thất vọng của người dân đồng thời cho rằng chính phủ đã học được nhiều bài học sau cuộc bầu cử này để phục vụ dân tốt hơn nữa.

Dù không phải thể chế một đảng nhưng đảng PAP đã cầm quyền liên tục trong suốt 50 năm qua và theo họ “như thế còn tốt hơn có nhiều nghị sĩ đối lập trong quốc hội”. Chính ông Lý cũng không muốn có thêm nhiều nghị sĩ đối lập vào quốc hội, vì như thế Singapore sẽ bị chia rẽ và khó đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Theo ông, PAP cần tiếp tục lãnh đạo toàn diện Singapore.

Hiện nay khả năng giành chiến thắng của PAP trong cuộc bầu cử lần này vẫn rất lớn, ngoại trừ khu vực Aljunied đang có xu hướng bầu cho đảng Công nhân đối lập. Hot hot hot là những từ xuất hiện khắp các tờ báo và internet ở khu vực này, đảng Công nhân trong cương lĩnh tranh cử năm nay đã xoáy vào trọng tâm những vấn đề rất được lòng cử tri: Giá nhà tăng cao, sinh hoạt quá đắt đỏ, việc làm cho người bản xứ, chi phí chăm sóc sức khỏe cho dân đắt đỏ...

Ngoài vấn đề giá cả tăng cao, cử tri Singapore còn cảm thấy bất an trước việc gia tăng ồ ạt của lao động nước ngoài vào Singapore, lương thấp, tăng tuổi hưu, bảo hiểm y tế đắt đỏ, việc xin quỹ dự phòng trung ương (CPF) khó khăn. Từ năm 1955, Singapore đã lập CPF, theo đó bắt buộc người lao động phải đóng góp vào quỹ này để trang trải cho nhu cầu lương hưu, y tế và nhà ở. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định: “Trong tình hình khó khăn như thế, chỉ có PAP mới có khả năng và kinh nghiệm giải quyết những vấn đề đó”.

Về lạm phát, chương trình trợ giá trị giá 3,2 tỷ đô la Singapore mang tên “Tăng trưởng và chia sẻ” giúp nhiều gia đình vơi đi khó khăn trong lúc giá cả tăng. Tham gia chương trình này, nhiều doanh nghiệp Singapore ủng hộ chủ trương của chính phủ hạ giá các mặt hàng thiết yếu. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Singapore không chỉ nhắm đến tăng trưởng mà còn phải tính đến việc nâng cao mức sống người dân sao cho mọi người dân đều được hưởng lợi ích của tăng trưởng thông qua các chương trình như mua nhà, giáo dục, chăm sóc y tế. Năm 2011 là năm thứ 50 PAP liên kết với Phong trào lao động quốc gia (NTUC). Ông Lý Hiển Long cho rằng sự hợp tác chặt chẽ và liên tục giữa chính phủ của PAP với NTUC đã giúp cải thiện rất nhiều đời sống công nhân.

Tiếp tục đổi mới

Cuộc bầu cử năm 2006, PAP giành được 82 trong tổng số 84 ghế tại Quốc hội. Nhưng lần này, PAP đối mặt với sức ép từ lực lượng đối lập đang ngày càng mạnh hơn với hàng chục ngàn người tham gia. 87 ghế tại Quốc hội lần này đã có 5 ghế của PAP (trong đó có ông Lý Quang Diệu) giành chiến thắng trước bầu cử do không có ứng viên đối lập. Như vậy các đảng phái sẽ tranh 82 ghế còn lại.

Trong cuộc vận động tranh cử, Ngoại trưởng Singapore George Yeo, thuộc PAP, khẳng định: “PAP cần chuyển đổi để tạo ra một khối “đoàn kết mới” ở Singapore. Chúng ta phải nhìn nhận rằng sự không hài lòng với chính phủ đang lan rộng. Chúng ta giờ đây phải để người dân bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ”.

Là chính khách trẻ, ông George Yeo nhắm tới cử tri thanh niên, những người cảm thấy họ chưa được tham gia đầy đủ vào các quyết sách. Theo tờ Today Online, ông Yeo cho rằng cần phải hòa nhập cùng với giới trẻ để truyền thông điệp tới họ. Một khi đã có kênh thông tin với họ cũng cần có phản hồi. “Kết quả sẽ tốt đẹp hơn cho cả hai phía. Đó là những gì đất nước chúng ta cần làm”, ông nói.

Riêng với Thủ tướng Lý Hiển Long, theo Asiaone, trong cuộc vận động bầu cử, ông cho rằng Singapore là hòn ngọc quý nên được gìn giữ, bảo vệ và mài giũa. Mặc dù hiểu rằng các cử tri đang quan tâm tới những vấn đề nóng như nhà ở, mức sống, ông Lý Hiển Long cũng thúc giục cử tri nên nghĩ đến các kế hoạch dài hạn của chính phủ, trong đó có việc đổi mới sự lãnh đạo. “Vấn đề đổi mới sự lãnh đạo ít được bàn luận trong dân nhưng nếu không xem xét bây giờ, chúng ta sẽ gặp vấn đề trong 10 năm nữa”, ông Lý Hiển Long nói bằng tiếng phổ thông, chứ không phải tiếng Anh.

Nhận định về khả năng lãnh đạo đất nước Singapore của đảng PAP, các chuyên gia nhận định đó là nhờ vào sức mạnh mềm, trong đó quan trọng nhất là chính sách chăm lo cho tất cả người dân, không phân biệt ông chủ hay công nhân và tự tin ở sứ mệnh sáng suốt của mình.

Ngày 4-5, Thủ tướng Lý Hiển Long, Tổng Thư ký đảng cầm quyền PAP, đã xin lỗi nhân dân về kết quả điều hành 5 năm qua còn nhiều thiếu sót như: Xây chưa đủ nhà cho dân, hệ thống giao thông chưa đáp ứng đúng yêu cầu của người dân, để trùm khủng bố Mas Salamat trốn thoát khỏi nhà tù (đã bắt về được)… Ông Lý cho biết: Thừa nhận sai lầm của chính phủ là bước khởi đầu để sửa chữa chúng.

Có thể có nhiều cách giải thích về lời xin lỗi này, như nhà bình luận đối lập, ông Zulkifli Baharudin, trên tờ The Straits Times ngày 5-5: “Một cách thành thực, ông Lý vẫn sẽ là thủ tướng nhiệm kỳ tới và ông ấy không cần thiết phải nói lời xin lỗi”. Hay như một nhà phân tích rủi ro chính trị Azhar Ghani nói: Lời xin lỗi là cách làm vơi đi bức xúc của cử tri về những vấn đề trước mắt và giúp cho họ nhìn nhận thấu đáo các vấn đề dài hạn. Dù giải thích như thế nào, việc một nhà lãnh đạo cấp cao xin lỗi nhân dân cũng góp phần làm tăng uy tín của chính phủ trước ngày bầu cử.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục