Sinh viên chạy sô nhảy múa

Ngoài các công việc làm thêm như phục vụ nhà hàng, bán áo quần, phát tờ rơi, công nhân thời vụ… thì vũ công bán chuyên, nghiệp dư tại các nhóm múa lớn - nhỏ có lẽ là công việc được khá nhiều bạn trẻ, sinh viên tại các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) ở TPHCM lựa chọn. Không ít bạn chọn đây là nghề nghiệp để phát triển trong tương lai.
Sinh viên chạy sô nhảy múa

Ngoài các công việc làm thêm như phục vụ nhà hàng, bán áo quần, phát tờ rơi, công nhân thời vụ… thì vũ công bán chuyên, nghiệp dư tại các nhóm múa lớn - nhỏ có lẽ là công việc được khá nhiều bạn trẻ, sinh viên tại các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) ở TPHCM lựa chọn. Không ít bạn chọn đây là nghề nghiệp để phát triển trong tương lai.

Chạy sô hết tốc lực

Đúng 7 giờ tối tại một nhà hàng tiệc cưới, khi khách mời đã an tọa, sau lời mở màn, nhạc nổi lên, 3 cặp nam nữ trong những bộ quần áo lộng lẫy bước ra sân khấu cùng điệu valse trước hàng trăm con mắt đang nhìn về. Xong tiết mục, các vũ công liền chạy ra cổng lấy xe, di chuyển rất nhanh đến nhà hàng khác để kịp múa thêm một màn mở đầu đám cưới khác nữa.

Thành viên trong các nhóm nhảy múa đa phần là sinh viên

“Chạy 2-3 sô cùng một buổi tối như vậy là bình thường vì nhiều lúc sau múa tiệc đám cưới, tụi em còn phải chạy sô múa minh họa ở các chương trình văn nghệ, hội nghị cho các đơn vị, công ty hay trung tâm văn hóa nữa… Nhiều lúc không kịp ăn uống vì có khi 19 giờ diễn ở quận 2, đến gần 19 giờ 30 phải có mặt tại một nhà hàng khác tại quận Thủ Đức, xong chạy đi Bình Dương biểu diễn tiếp. Sợ nhất là lúc chạy đua với thời gian, phóng xe ngoài đường cho kịp giờ diễn. Cũng có một vài lần các bạn trong nhóm múa của em té xe, trầy chân tay”, Lê Ngọc Trâm, thành viên vũ đoàn Quang Lâm (quận Thủ Đức) kể về câu chuyện làm thêm hiện tại của mình.

Ngọc Trâm hiện là sinh viên năm cuối ĐH Nông Lâm, làm quen với công việc nhảy múa bán chuyên nghiệp từ khi bước vào năm nhất đại học. Trâm cho biết: “Hồi mới thành lập, nhóm múa tụi em chỉ nhận được 3-4 sô mỗi tuần, nhưng vài tháng sau đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Chủ yếu là múa đám cưới, múa minh họa. Nhất là thứ bảy, chủ nhật hay vào mùa cưới, mùa thi văn nghệ cuối năm, lịch luôn dày đặc. Nhóm em cũng hợp tác với một số trung tâm văn hóa quận, huyện nên hay có sô biểu diễn hội nghị, văn nghệ quần chúng… Với các chương trình văn nghệ cho hội nghị, công ty hay ca sĩ, tụi em diễn được nhiều bài, mỗi bài hơn 150.000 đồng. Đi lưu diễn các tỉnh cho các công ty, ca sĩ thì tiền nhiều hơn nữa, có khi hơn 1 triệu đồng mỗi tiết mục. Diễn đám cưới có thể múa 1-2 bài đầu giờ và giữa giờ, tiền công được trả thường 120.000 - 150.000 đồng/người/bài”. Mùa cận tết với Trâm và nhiều bạn sinh viên “có nghề” ở các nhóm nhảy múa là thời điểm  chạy đua với việc làm thêm, không khác gì ca sĩ trong giới showbiz.

Theo Trâm, chỉ tính riêng nhà hàng Rosa, nơi Trâm hay múa cũng đã có tới 3-4 nhóm múa, mỗi nhóm có gần 20 thành viên hầu hết là sinh viên làm thêm. Nhiều bạn cùng lớp, cùng trường Trâm cũng hay tranh thủ thời gian tham gia biểu diễn, bưng quả, khánh tiết…

Để có thể tự lập sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Thị Xuân Hồng, hiện là sinh viên CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TPHCM, quyết định đi làm thêm. Ban đầu Hồng chưa biết gì về công việc vũ công này. Còn bây giờ, khi tham gia 3 năm tại vũ đoàn Aloha, Hồng cho biết: “Một tháng mình nhận các sô biểu diễn được khoảng 5 triệu đồng vì còn phải dành thời gian cho việc học. Biểu diễn thì đủ chỗ hết, chạy sô liên tục, nơi nào gọi thì đến. Thường là trưởng nhóm sắp xếp cho tụi mình”.

Sống với đam mê

Không tính đến những vũ đoàn chuyên nghiệp như Hoàng Thông, ABC, Sài Gòn, Arabesque, Bước Nhảy, Sóng, Rex, Mai Trắng, Phương Việt, Bình Minh, The Friends..., ở TPHCM còn có hàng trăm nhóm múa - nhảy lớn nhỏ. Các nhóm múa bán chuyên có thể do sinh viên trưởng thành từ các nhóm nhảy múa đứng ra tập hợp, dù nhiều bạn không qua đào tạo chính quy. Xu hướng này ngày càng xuất hiện nhiều. Điều này cho thấy hoạt động nhảy múa đang được nhiều bạn trẻ quan tâm, yêu thích. Những nhóm múa, vũ đoàn như Ngọc Việt, Lửa, OH, Vầng Trăng, Hạc Trắng, Hoa Nắng, Bạch Dương, Quang Lâm, Aloha… ra đời từ đam mê của người trẻ, nhưng để sống trọn, hết mình với nghề múa cũng không hề đơn giản.

Hồi mới tham gia nhóm múa, Trâm gặp nhiều khó khăn, phải giấu bởi ba mẹ Trâm không thích việc làm thêm này, rồi có khi lịch học trùng với lịch biểu diễn. “Nhưng lỡ mê rồi, cứ nhảy, cứ múa thôi. Tham gia những việc làm thêm như thế này, em không chỉ có thêm tiền để trang trải cuộc sống mà còn học hỏi được nhiều thứ, như tự tin hơn khi đứng trước đám đông, khả năng giao tiếp tốt hơn, tinh thần trách nhiệm làm việc cao hơn và ý thức được giá trị của đồng tiền do chính mình làm ra”, Ngọc Trâm cười tươi cho biết.

Đam mê hết mình trên sân khấu

Phong cách tự tin, ánh mắt sáng bừng mỗi khi nói về nhảy múa là những gì người đối diện cảm nhận về Lê Quang Lâm, trưởng nhóm múa Quang Lâm. Lâm cho biết không hề học qua trường múa mà chỉ tham gia biểu diễn ở một số nhóm như Sao Mai, My Rain khi còn là sinh viên ĐH Thể dục Thể thao 2 TPHCM. Sau khi ra trường, vì quá mê nghề, Lâm lập nhóm nhảy riêng. Ngoài việc biểu diễn, Lâm hay nhận khâu biên đạo múa, nhảy cho nhiều cá nhân, đơn vị trong thành phố.

Có được niềm vui, sức khỏe, sự tự tin, mối quan hệ và năng khiếu biên đạo, giảng dạy về nhảy múa là những điều tuyệt vời nhất mà Lâm cho rằng mình có được khi theo nghề này. Không chỉ kiếm tiền, Lâm dùng khả năng đó để đi làm từ thiện, dạy học miễn phí. Hiện tại, Lâm đang mở 2 lớp học miễn phí. “Đối với mình nhìn thấy các em, các bạn cười vui khi làm quen với nhảy múa đã là niềm vui. Dùng khả năng nhảy múa để mang lại nụ cười cho người khác là điều mình quan tâm nhất. Hy vọng sau này sẽ mở lớp dành cho các cô, các bác lớn tuổi với các bài tập luyện nhẹ nhàng hơn. Để bản thân không mất đi niềm đam mê, mình có thể sống với nó đến khi nào nghề bỏ mình thôi…”, Lâm tâm sự.

Ngoài biểu diễn trên sân khấu, các bạn sinh viên còn biên đạo múa cho các đơn vị trường học

TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục