Chấp nhận thuê phòng trọ ở ngoài với giá cao hơn, chật hẹp và ẩm ướt chứ không chịu vào khu ký túc xá (KTX) cao cấp là tâm lý chung của hầu hết sinh viên các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn TP Đà Nẵng. Hàng trăm tỷ đồng bỏ ra để xây các khu KTX xem ra lãng phí.
Vì đâu nên nỗi?
Khu KTX sinh viên DMC-579 Đà Nẵng tại khu đô thị phía Nam trung tâm hành chính quận Liên Chiểu (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đưa vào hoạt động gần một năm nay thưa thớt sinh viên vào ở. Cả dãy KTX cao, rộng thênh thang, được sơn vôi sáng loáng nhưng chỉ vài phòng có sinh viên, nhiều phòng còn lại đóng cửa im lìm. Trong khi đó, tại những dãy nhà trọ lụp xụp, ẩm ướt do người dân xây dựng nằm cách đó không xa lại tấp nập sinh viên ở trọ.
Nguyễn Quốc Công, SV năm 3, Khoa Cơ khí (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), cho rằng: “Tụi em được trường thông báo về các khu KTX rất khang trang, hiện đại nhưng sau khi lên xem phòng thì “dội ngược” trở ra. Bởi phòng ốc thiết kế không phù hợp với sinh viên. Mặc dù ở ngoài mỗi tháng phải trả tới 500.000 đồng nhưng xem ra còn dễ chịu hơn vào đây”.
Khu KTX sinh viên DMC-579 được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án xây dựng thành phố điều hành dự án, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng thiết kế, liên danh Công ty CP Đầu tư và xây dựng 579 - Công ty CP Đức Mạnh (DMC) thi công. Sau khi đi vào hoạt động, khu KTX này do Công ty DMC trực tiếp quản lý, điều hành.
Khu KTX có tổng diện tích 25.358m2, kinh phí đầu tư 180 tỷ đồng, gồm 6 block, cao 5 tầng, sức chứa 6.000 sinh viên. Bên cạnh còn có khu nhà điều hành, khu sinh hoạt bao gồm khu văn phòng điều hành, trạm y tế, khu nhà ăn, khu siêu thị mini, khu vui chơi giải trí, CLB thể hình, khiêu vũ, thư viện. Các công trình trong khu KTX được xây dựng khang trang, tiện nghi và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như hệ thống đường giao thông, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, viễn thông... Cao cấp như vậy, nhưng đến nay KTX này chỉ chưa đến 10% sinh viên vào ở.
Lý giải về nguyên nhân KTX “trống” sinh viên, ông Trần Đức Vinh, Giám đốc Trung tâm quản lý KTX DMC-579, cho rằng do khu KTX mới đi vào hoạt động, sinh viên chưa hiểu rõ giá trị phúc lợi được hưởng khi vào ở và cũng do tâm lý bị ràng buộc về mặt thời gian ra vào khu KTX, đồng thời do chưa có tuyến xe buýt từ KTX đến các trường.
Bất cập trong thiết kế
Mặc dù ông Vinh đưa ra nhiều lý do nghe có vẻ rất thuyết phục, thế nhưng qua kiểm tra thực tế mới vỡ ra lắm điều tồn tại mà sinh viên thuộc diện dễ tính nhất cũng khó chấp nhận được.
Ngày 7-1-2013, Liên danh DMC-579 có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng và Sở Xây dựng cho biết, công trình xuất hiện nhiều bất cập khi đưa vào sử dụng, nhất là các thiết kế về công năng. Theo đó, công trình sử dụng cửa nhôm, cửa kính, trần khu vệ sinh công cộng bằng vật liệu thạch cao không phù hợp. Cửa nhôm, khóa vặn nhanh chóng hư hỏng; cửa kính trong suốt gây bất tiện trong sinh hoạt; trần thạch cao gặp sự cố rò rỉ nước sẽ dễ rơi, ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng. Sinh viên bức xúc nhiều nhất là công trình không có khu vệ sinh khép kín với phòng ở. Việc sử dụng công trình vệ sinh chung bất tiện, lãng phí trong sử dụng nước và khi thanh toán chi phí nước sinh hoạt dẫn đến không công bằng.
Thế nhưng Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, khi thiết kế dự án sở và Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đã thống nhất thiết kế nhà tắm và nhà vệ sinh khép kín từ phòng ở với 8 sinh viên. Theo công văn số 547/SXD-QLXD ngày 22-2-1013 gởi UBND thành phố, ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Liên danh DMC-579 đề nghị đưa khu vệ sinh và phòng tắm ra ngoài phòng ở để thuận tiện việc quản lý và sử dụng”. Như vậy, việc thay đổi thiết kế là do Liên danh DMC-579 đề xuất chứ không phải do Sở Xây dựng hay Viện Quy hoạch xây dựng TP.
Trước những tồn tại trong thiết kế KTX sinh viên, ngày 21-3-2013 UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo chấn chỉnh một phần bất cập trong thiết kế như bổ sung thêm chốt sắt có khóa tại các phòng, sử dụng đồng bộ một loại giấy đề can dán cửa kính và sửa chữa các hư hỏng nhỏ. Việc đề nghị đưa nhà vệ sinh, phòng tắm khép kín cùng với phòng ở có đồng hồ nước, giao Liên danh DMC-579 tìm biện pháp khắc phục.
Ngoài khu KTX DMC-579, những bất cập trong thiết kế còn xảy ra tại khu KTX sinh viên phía Đông tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đang thi công với 2 block 5 tầng và 1 block 9 tầng.
Bài học mang tính “vỡ lòng” đối với tất cả những người làm công tác tư vấn thiết kế nói riêng và tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung là sản phẩm mình đưa ra phải sử dụng được. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra tại các khu KTX sinh viên trên địa bàn Đà Nẵng, chứng tỏ đơn vị tư vấn thiết kế đã không gắn với thực tế, nhu cầu sinh hoạt của sinh viên, đưa ra những sản phẩm mang tính chủ quan, áp đặt để rồi bây giờ phải tốn tiền của, công sức khắc phục.
NGUYỄN HÙNG