Sinh viên cử tuyển cũng thất nghiệp

Theo quy định, các sinh viên được địa phương đưa đi học theo diện cử tuyển (có hỗ trợ kinh phí) khi ra trường sẽ được tiếp nhận, phân công công việc. Tuy nhiên, tại tỉnh Cà Mau, rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ra trường nhưng phải “ngồi chơi xơi nước

Theo quy định, các sinh viên được địa phương đưa đi học theo diện cử tuyển (có hỗ trợ kinh phí) khi ra trường sẽ được tiếp nhận, phân công công việc. Tuy nhiên, tại tỉnh Cà Mau, rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển ra trường nhưng phải “ngồi chơi xơi nước”…

Bằng loại giỏi cũng… ở không

Ra trường đã 3 năm, với tấm bằng cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm Ngữ văn, nhưng em Lý Thị Kim Dương (sinh năm 1989, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) vẫn chưa được bố trí việc làm. Ước mơ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng chưa thành sự thật. Kim Dương tâm sự: “Em rất muốn có việc làm để phụ giúp cha mẹ, chứ thất nghiệp hoài thấy buồn quá. Hiện giờ em không dám tiếp xúc với bạn bè vì ai cũng đã có công ăn việc làm, còn em thì… thất nghiệp”. Kim Dương cho biết, ra trường vào năm 2013, em có nộp hồ sơ tại Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau với mong muốn được bố trí việc làm theo chế độ cử tuyển. Tuy nhiên, chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Theo tìm hiểu, từ năm 2010, sinh viên học theo chế độ cử tuyển trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ra trường, nhưng đến nay không phải ai cũng được bố trí việc làm. Nhiều sinh viên chờ không được đã bỏ quê đi làm thuê nơi khác. Em Hữu Danh Thol (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) bộc bạch: “Em ra trường vào cuối năm 2012, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Về địa phương chờ bố trí công việc, nhưng chờ hơn 3 tháng không thấy ai gọi nên vác ba lô đi làm thuê. Hiện giờ em làm cho một công ty tư nhân ở Đồng Nai”. Tương tự, em Trần Kiều Diễm (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) cũng không chờ được việc làm nên ngậm ngùi bỏ đi tìm công việc khác. “Học đã tốn tiền cha mẹ và của Nhà nước trợ cấp. Tuy nhiên, ra trường lại không được bố trí công việc nên em phải tự xoay sở. Hiện giờ, em xin làm việc tại một công ty chế biến thủy sản, dù lương không cao nhưng cũng tạm đủ sống”, Kiều Diễm chia sẻ.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, sau 8 năm thực hiện (từ 2007-2015) chính sách cử tuyển theo Nghị định số 134/2006 của Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã cử 276 người đi đào tạo. Hiện đã tốt nghiệp 119 người, trong đó bố trí công tác được 71 người, còn lại 48 trường hợp chưa bố trí công tác.

Không còn chỗ trống

Đánh giá kết quả đào tạo theo chế độ cử tuyển, ông Lê Quang Hảo, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, nhận xét: “Thời gian qua người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất quan tâm đến chính sách cử tuyển. Người được cử đi học theo chế độ cử tuyển có ý thức phấn đấu trong học tập, rèn luyện. Phần lớn các công chức, viên chức được đào tạo cử tuyển đều phát huy tốt công việc khi về địa phương”. Tuy nhiên, ông Hảo cho rằng, việc phân công tác cho đối tượng cử tuyển sau khi ra trường còn tồn tại bất cập về cơ chế tuyển dụng. Cụ thể: theo Nghị định 134/2006 của Chính phủ, người học theo chế độ cử tuyển sẽ được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, các nghị định về tuyển dụng và quản lý công chức phải thi tuyển và xét tuyển, nên việc bố trí công tác cho sinh viên cử tuyển gặp khó khăn.

Trước thực trạng nhiều sinh viên cử tuyển “dài cổ” chờ việc, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, Sở Nội vụ kết hợp với các huyện nghiên cứu phương án, bố trí các sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường và những em sắp ra trường. Về cơ bản, địa phương phải có trách nhiệm ưu tiên bố trí việc làm cho các em. Bên cạnh đó, tạm dừng đào tạo theo chế độ cử tuyển, bởi không còn biên chế.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục