Sinh viên kiếm tiền nhờ nghiên cứu khoa học

Tiếp cận doanh nghiệp
Sinh viên kiếm tiền nhờ nghiên cứu khoa học

Trước đây nhiều người vẫn quan niệm sinh viên nghiên cứu khoa học đơn thuần chỉ là  hoạt động bổ trợ cho việc học, cao hơn nữa để tham gia các giải thưởng sáng tạo, sáng chế hàng năm theo kiểu phong trào. Nhưng hiện tại, ngay trong chính giảng đường đại học, đã có những sáng chế của sinh viên được các doanh nghiệp đặt hàng từ khi mới hình thành ý tưởng.

Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bên robot công nhân vừa hoàn thành.

Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bên robot công nhân vừa hoàn thành.

Tiếp cận doanh nghiệp

Bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng từ sau Tết Nguyên đán, qua 4 tháng miệt mài nghiên cứu và chế tạo, cuối cùng một robot công nhân cũng cơ bản hoàn thành và đã vận thành thử. Nhìn cánh tay robot linh hoạt đều đặn gắp từng sản phẩm mẫu, nhóm sinh viên ngành cơ-điện tử (Khoa cơ khí - chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) chia sẻ cảm xúc bằng những nụ cười hạnh phúc.

Sinh viên Trịnh Đức Cường, thành viên của nhóm nghiên cứu, nhớ lại: “Để những cánh tay robot hoạt động được không hề đơn giản. Đã có lúc các thành viên ngồi lại cùng nhau suốt hơn một tuần vẫn không giải được bài toán động lực học. Tụi em cũng nản lắm. Nhưng khi đã nắm bắt được cơ cấu hoạt động của nó thì muôn vàn ý tưởng cứ nảy sinh trong đầu. Tụi em phải ở lại qua đêm tại phòng nghiên cứu để hoàn thành robot. Nhiều khi ngẩng đầu lên đã thấy trời sáng”.

Nhưng niềm vui của nhóm sinh viên không dừng lại ở đó. Chủ một chi nhánh bánh ngọt Đức Phát tại Bình Dương khi biết đến nghiên cứu này đã xuất kinh phí cho nhóm sinh viên tiếp tục hoàn thiện robot. “Dây chuyền sản xuất, đóng gói bánh kẹo của doanh nghiệp trên chỉ bán tự động. Vì thế, robot của tụi em sẽ được kết nối vào dây chuyền để việc đóng gói sản phẩm của doanh nghiệp hoàn toàn tự động. Thay thế sức lao động của công nhân tại đây”, Cường cho biết thêm.

Máy bán hàng tự động là sản phẩm nghiên cứu của nhóm sinh viên tại Phòng thí nghiệm mở-Open Lab (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật). Theo nhóm nghiên cứu, hiện trên thị trường chỉ có dòng sản phẩm duy nhất này được sản xuất tại Việt Nam. Ngoài việc bán đa dạng các sản phẩm như bánh ngọt, nước giải khát, báo - tạp chí, máy còn tương thích với loại tiền đồng (tiền xu và tiền polymer) của ta. Đến nay, đã có 15 máy bán hàng tự động được giao cho khách hàng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, máy có giá dao động từ 20-50 triệu đồng, bằng 1/5 so với máy ngoại nhập.

Trò giỏi phải có thầy hay

Là người nhiều năm theo sát các nghiên cứu khoa học của sinh viên, TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng phòng Thí nghiệm mở-Open Lab, cho rằng, sinh viên ngày nay dễ dàng tiếp cận với nguồn kiến thức KH-CN của thế giới. Nhiều ý tưởng nghiên cứu của sinh viên thường khá táo bạo. Tuy nhiên phải có người định hướng để các ý tưởng đó không quá xa rời thực tế. “Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nếu nghiên cứu đó giải quyết được vấn đề tồn tại của họ. Vì thế, muốn nghiên cứu có hiệu quả và thoát ra được khỏi phòng thí nghiệm, sinh viên phải tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu xã hội. Tại Open Lab, ngoài các đề tài nghiên cứu tại trường, chúng tôi chủ động đăng ký các dự án thiết kế, chế tạo robot của TP hoặc trực tiếp đến gõ cửa doanh nghiệp để lắng nghe nhu cầu của họ”, TS Thịnh cho biết thêm.

Bằng chứng, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, hàng loạt các giải pháp, sản phẩm tự động hóa đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao cho các doanh nghiệp. Robot công nhân là một ví dụ. Ngoài Đức Phát, hai công ty sản xuất đồ gỗ tại Củ Chi cũng đã liên hệ đặt hàng. Dự án robot cống (thuộc dự án sản xuất thử robot của TP) cũng sắp được nghiệm thu với tổng đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Được biết, toàn bộ nguồn thu từ chuyển giao sản phẩm, một phần được giữ lại trang trải cho các hoạt động của Open Lab, phần còn lại dùng để trả lương cho các sinh viên tham gia dự án.

Theo ông Lê Vy, đại diện chi nhánh Công ty TNHH-SX-TM Đức Phát Bakerry, chưa tính đến chất lượng, các sản phẩm của sinh viên thường có giá thành rẻ hơn hàng ngoại nhập 5-10 lần. “Khi có người thầy uy tín, sinh viên nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”, ông Vy chia sẻ.

Bảo Trân

Tin cùng chuyên mục