Sinh viên lo nợ

Kể từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 27-9-2007, đến nay đã có hàng triệu lượt sinh viên (SV) được vay vốn đi học. Với thủ tục vay đơn giản, chương trình đã giúp cho SV nghèo tiếp tục được đến trường, không lo trở thành gánh nặng của gia đình khi vừa chân ướt chân ráo vào đại học (ĐH). Nhưng cũng chính khoản vay này đã làm các SV tốt nghiệp ĐH phải đau đáu nỗi lo trả nợ.
Sinh viên lo nợ

Kể từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 27-9-2007, đến nay đã có hàng triệu lượt sinh viên (SV) được vay vốn đi học. Với thủ tục vay đơn giản, chương trình đã giúp cho SV nghèo tiếp tục được đến trường, không lo trở thành gánh nặng của gia đình khi vừa chân ướt chân ráo vào đại học (ĐH). Nhưng cũng chính khoản vay này đã làm các SV tốt nghiệp ĐH phải đau đáu nỗi lo trả nợ.

Áp lực trả nợ vì thất nghiệp

Nhờ vay được vốn hỗ trợ nên học phí không còn là nỗi lo của các SV nghèo khi vừa bước chân vào ĐH, nhưng nỗi lo trả nợ lại ám ảnh khi SV sắp rời ghế giảng đường. Nhờ khoản vay này mà Trần Minh Hoàng (SV năm cuối ĐH GTVT TPHCM) vẫn có thể theo học trong khi hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Với khoản vay 9 triệu đồng/năm, trừ học phí, mỗi tháng còn dư vài trăm ngàn đồng, cộng khoản tiền làm thêm nên những năm học ĐH của Hoàng cũng trôi qua êm ả.

Hoàng tâm sự: “Khi còn đi học, em cứ nghĩ ra trường có việc làm thì chỉ cần tiết kiệm vài năm là trả hết nợ. Thế nhưng càng cận ngày ra trường thì em càng lo, bởi trong tình trạng không tìm được việc làm, SV vừa ra trường tự trang trải cuộc sống của mình đã khó, làm sao tiết kiệm được tiền để trả nợ?”.

Thời điểm cận ngày thi tốt nghiệp, rất nhiều SV cùng lúc bị áp lực từ nhiều phía, như Lương Thị Trang (ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM) chia sẻ: “Vừa lo học thi tốt nghiệp, vừa nghĩ đến khoản nợ sắp phải trả, em và nhiều bạn trong lớp thấy mệt mỏi và rất hoang mang”. Gần 40 triệu đồng là số nợ không nhỏ với một sinh viên sắp ra trường. Lo lắng của Hoàng và Trang cũng là nỗi lo của các SV đã vay vốn hỗ trợ của nhà nước để đi học.

Cử nhân tìm việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM.

Cử nhân tìm việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM.

Thất nghiệp nhiều, trả nợ khó

Theo quy định, 12 tháng kể từ khi kết thúc khóa học, SV bắt đầu hoàn trả số tiền nợ đã vay trong thời gian đi học. Nhưng nhìn vào báo cáo quý 1 năm 2014 của Bộ LĐTB-XH thì tỷ lệ thất nghiệp đối với người có trình độ cao đẳng là hơn 79.000 người, có trình độ ĐH trở lên là 162.400 người, con số này ngày càng tăng và phần nhiều rơi vào những SV gia cảnh nghèo. Từ thực tế đó cho thấy lo lắng về khoản nợ của SV sau khi ra trường là rất lớn.

Nguyễn Hoàng Vương, cử nhân ĐH Văn hóa TPHCM cũng đang loay hoay với việc trả nợ tín dụng. Dù ra trường đã 3 năm nay nhưng Vương chưa tìm được việc làm ổn định, hiện Vương theo một người anh đi lắp đặt camera theo đơn đặt hàng, thu nhập bấp bênh.

Vương tâm sự: “Trước đây khi vay vốn thì cứ nghĩ ra trường đi làm 1 năm mới phải trả, vậy mà 3 năm nay em vẫn chưa có việc làm. 2 năm trước em có làm đơn xin gia hạn nhưng gần đây, gia đình ở quê liên tục gọi vào nói địa phương đang hối trả nợ. Thương em, ba mẹ âm thầm xoay xở trả nợ được vài tháng thì hết chỗ vay.

SV ra trường không xin được việc làm trong khi địa phương hối trả nợ, nên nhiều gia đình phải gian nan trả nợ tín dụng cho con. Chị Phan Thị Thu (ấp Xóm Mới, xã Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Hiện nay nhiều gia đình trong ấp phải chạy vạy để trả nợ vay vốn hỗ trợ SV, vì con học ra trường đã mấy năm mà chưa có việc làm. Địa phương có cho gia hạn trả nợ nếu SV ra trường chưa tìm được việc làm, nhưng chỉ được 1 năm thì phải hoàn trả vốn và lãi”.

Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM, với tình hình kinh tế và việc làm như hiện nay, việc thu hồi vốn của toàn hệ thống gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quy trình thu hồi vốn vẫn phải tiến hành theo quy định, nếu hết 12 tháng sau khi ra trường mà người tốt nghiệp ĐH chưa tìm được việc làm, chưa có khả năng trả nợ cả gốc và lãi thì có thể làm đơn xin gia hạn trả nợ gốc song song với việc tiếp tục trả lãi hàng tháng, thời gian gia hạn nợ tối đa chỉ bằng 1/2 thời hạn trả nợ (thời gian trả nợ tối đa bằng thời gian phát tiền vay).

Nếu trường hợp sau nhiều năm ra trường vẫn không có việc làm thì buộc gia đình phải có trách nhiệm hoàn trả vốn tín dụng theo đúng thời hạn đã được gia hạn. Nếu quá thời hạn này, ngân hàng sẽ chuyển sang nợ quá hạn và tính lãi suất là 130% lãi suất khi cho vay, đồng thời phối hợp với địa phương có hướng xử lý.

Với ý nghĩa hỗ trợ SV nghèo tiếp tục được đến trường, không ai nghĩ rằng đây lại là gánh nặng. Nên khuyến khích các SV vay vốn theo từng năm, nếu năm nào thấy khó khăn thì vay năm đó hoặc có thể vay đủ để đóng học phí. Như vậy sẽ bớt đi gánh nặng khi vào đời.

BẢO HÂN

Tin cùng chuyên mục