Tốt nghiệp đại học nhưng không ít tân cử nhân, kỹ sư vẫn gian nan trên đường tìm việc hoặc tìm được việc làm nhưng không theo đúng chuyên ngành đã học. Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao là do giữa đơn vị đào tạo và nơi sử dụng lao động chưa gặp nhau hay chất lượng nguồn nhân lực có vấn đề?
- Học một đường - làm một nẻo
Tốt nghiệp ngành xã hội học (Đại học KHXH-NV TPHCM), gần một năm nay, Nguyễn Thị Na cầm hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng ngành mình học nhưng chỗ nào cũng lắc đầu. Cuối cùng Na chấp nhận làm phục vụ nhà hàng, dù việc đó chẳng liên quan gì đến kiến thức mà cô đã học trong 4 năm đại học.
“Không như ngày đậu đại học với bao ước mơ hy vọng, từ ngày cầm tấm bằng cử nhân lang thang tìm việc mới thấy cuộc sống thực tế không màu hồng như mình tưởng. Nhiều lúc, tôi muốn về quê kiếm đại công việc gì đó để làm nhưng suy đi nghĩ lại, lại thấy không dễ chút nào. Gia đình đã tốn biết bao tiền bạc, công sức để nuôi tôi ăn học, mong sau này tìm được việc làm tốt hơn. Chính vì vậy, những lúc gia đình hỏi công việc hiện tại, tôi cũng chỉ nói cho qua chuyện chứ không dám nói sự thật, sợ bố mẹ buồn” - Na tâm sự.
Còn với Trần Văn Đức, cử nhân sư phạm ngành lịch sử, ước mơ cháy bỏng là được về quê Nghệ An dạy học. Nhưng sau 2 năm nộp hồ sơ xin dạy học tại một trường cấp 2 ở huyện miền núi cách nhà 200km, Đức vẫn không nhận được hồi âm. Đến hỏi thì đơn vị tiếp nhận cho biết, chỉ có nhu cầu ký hợp đồng dạy ngắn hạn nhưng có 1, 2 người nói thẳng ra là cần có một số tiền “lót tay” khoảng 50 triệu đồng.
“Bố mẹ vất vả lắm mới nuôi được tôi ăn học. Giờ tìm đâu ra tiền để chạy việc bây giờ. Tôi đành xa quê, vào TPHCM làm gia sư, dù thu nhập không cao, không ổn định nhưng dẫu sao mình cũng có việc làm đúng chuyên môn, có thu nhập để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình” - Đức chia sẻ.
May mắn hơn, Trần Thị Phương sau khi ra trường đã được bố mẹ gửi gắm vào làm việc tại một công ty cho thuê tài chính với mức lương khá cao. Tuy nhiên, công việc của Phương chỉ là trực điện thoại vì chuyên ngành lịch sử khảo cổ Phương học chẳng liên quan gì đến công việc chuyên môn ở đây.
Phương cho biết: “Hiện công ty đang cho tôi đi học đại học ngành kinh tế để thuận tiện hơn cho công việc. Như vậy cái bằng cử nhân hiện nay coi như lãng phí 4 năm đào tạo trong trường đại học”.
Việc sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm hoặc tìm việc làm trái ngành, trái nghề, thậm chí đi làm các công việc phổ thông không phải hiếm. Thậm chí, không ít người chọn giải pháp học tiếp, học liên thông hay học văn bằng hai để lại được bố mẹ… nuôi tiếp.
Theo kết quả một cuộc thăm dò tại ngày hội việc làm mới đây, có đến 59% sinh viên ra trường làm việc trái ngành, trái nghề đã được đào tạo.
- Trang bị kỹ năng bên cạnh lý thuyết
Ngoài nguyên nhân các tân cử nhân, kỹ sư không thật sự có khả năng, thiếu kỹ năng khi đi xin việc và không được định hướng rõ ràng khi đi học thì công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.
Theo thạc sĩ Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông Lâm TPHCM), muốn thực hiện tốt mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội thì “ba nhà” là nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp... cần ngồi lại với nhau. Nhà trường phải xem chất lượng đào tạo sinh viên là sản phẩm của mình. Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh để phát triển, nhà trường và doanh nghiệp phải tạo chỗ đứng riêng trong việc đào tạo và sở hữu đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Ngoài việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nhà trường cần bồi dưỡng thêm cho sinh viên các kỹ năng khác; tích cực mở rộng mối quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhà nước cũng cần có những chính sách thông thoáng, phù hợp để nhà trường tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Chẳng hạn, nhà trường được tự chủ trong việc tuyển chọn đầu vào, được xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng thụ hưởng sản phẩm của mình; được tìm kiếm nguồn kinh phí từ những chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc liên kết với doanh nghiệp...
Mặt khác, các doanh nghiệp - những đơn vị sử dụng nguồn nhân lực cũng phải có trách nhiệm chung sức cùng nhà trường trong quá trình đào tạo. Ở nhiều nước trên thế giới, doanh nghiệp phải trả phí đào tạo nếu muốn có được nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của chính mình. Còn ở nước ta hiện nay, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc nhận sinh viên thực tập hay hay hỗ trợ một phần trang thiết bị nếu có ký kết đào tạo.
Anh Phạm Văn Tiến, chủ một doanh nghiệp hóa chất, mỹ phẩm cho rằng, hiện nay nhà trường thường đào tạo theo kiểu ai học đủ môn, đủ tín chỉ, đủ điểm và đóng đủ học phí thì được cấp bằng chứ chưa quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp...
“Chúng tôi không cần một sinh viên đọc vanh vách các công thức hóa học nhưng không biết quy trình như thế nào để cho ra một sản phẩm. Họ chỉ là một “sản phẩm thô” nên người tiêu dùng - tức doanh nghiệp - không dám mua hoặc mua về phải mất công gia công, chế biến lại. Chính vì thế mà nhà trường và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung” - anh Tiến phân tích.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có nguồn nhân lực chất lượng, ngoài trách nhiệm của nhà trường, doanh nghiệp, hơn hết mỗi sinh viên hãy chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết. “Cơ hội là do mình tạo ra, phải tự đi tìm thứ mình cần thay vì chờ đợi người khác mang đến. Hiện nay, nhiều sinh viên định hướng nghề nghiệp không rõ ràng. Không ít các bạn trẻ mắc sai lầm khi cho rằng các nhà tuyển dụng chỉ cần lao động trẻ và bằng cấp này bằng cấp nọ nên đổ xô nhau đi học lấy bằng. Doanh nghiệp hiện nay luôn chú trọng đến kỹ năng làm việc, khả năng tổ chức công việc, tư duy xử lý công việc trong mọi tình huống…” - anh Phạm Văn Tiến nhắn nhủ
HỒ THU