Sinh viên vẫn khó vay vốn học tập

Ai được vay?
Sinh viên vẫn khó vay vốn học tập

Trong quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học ĐH, CĐ và dạy nghề có quy định nêu rõ: “Đối tượng được vay vốn là học sinh – sinh viên (HS-SV) có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH (hoặc tương đương ĐH), CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Quy định không hề có sự phân biệt giữa HS-SV học hệ chính quy, tại chức hay học nghề, miễn đủ điều kiện đều được vay vốn, nhưng thực tế lại có nhiều chuyện tréo ngoe.

Sinh viên Khoa Điện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang thực hành trong Phòng thực tập trang bị điện. (Ảnh minh họa) Ảnh: Mai Hải

Sinh viên Khoa Điện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang thực hành trong Phòng thực tập trang bị điện. (Ảnh minh họa) Ảnh: Mai Hải

Ai được vay?

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, sinh viên tại địa bàn xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau), trong năm 2011, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của địa phương này không thực hiện tốt việc cho vay vốn theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn văn On, ngụ tại ấp Cống Đá, xã Phú Tân, cho biết: “Tôi thuộc diện chính sách (thương binh nhẹ) nên hàng tháng đều được nhận trợ cấp nhà nước. Con tôi đang học năm thứ nhất tại Trường ĐH Võ Trường Toản, gia đình cũng khó khăn nên tôi có làm đơn xin vay vốn. Dù nhà trường có xác nhận thế nhưng đã hết học kỳ 1 nhưng gia đình tôi vẫn chưa thấy huyện chuyển tiền cho vay”.

Những sinh viên như Phạm Văn Xe (Trường ĐH Tây Đô), Lưu Kim Đến và Huỳnh Văn Tín (Trường ĐH Cần Thơ) đều thường trú tại xã Phú Tân cũng bức xúc trong vấn đề vay vốn. Theo phân trần của những sinh viên này: Những năm trước, các sinh viên này thuộc diện khó khăn 3 và được NHCSXH cho vay vốn học tập. Bỗng dưng năm 2011 lại không được vay nữa. Quá bất ngờ, những sinh viên này đem thắc mắc đến nhờ NHCSXH thì được giải thích ngắn gọn “không được vay vì không đúng đối tượng”. Và trước tình thế này, để có tiền đi học, gia đình họ phải chấp nhận vay nóng bên ngoài với lãi suất cao hơn.

Một số phụ huynh khác cũng cho biết lý do mà NHCSXH không cho vay tiếp là do những năm trước cho vay sai đối tượng và hiện nay đã hết vốn để cho vay. Trả lời vấn đề trên, ông Dương Đăng Khoa, đại diện NHCSXH huyện Phú Tân, cho biết: “Hiện nay ngân hàng vẫn đang tiếp nhận hồ sơ và giải ngân cho học sinh vay theo đúng quy định hiện hành. Cũng có thể do trước đây địa phương cho vay sai đối tượng nên giờ siết lại theo quy định thì những sinh viên này không được vay vốn. Tuy nhiên, về phản ánh của sinh viên và phụ huynh chúng tôi sẽ xem xét lại”.

Bạn Quách Ánh Mai, sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM và bạn Lê Thị Tuyết Chi, sinh viên ĐH Cần Thơ, cho biết trong những năm gần đây việc chuyển tiền cho vay tương đối chậm, thậm chí để dồn tiền vay học kỳ 1 sang học kỳ 2 mới được nhận luôn một lần là 8,6 triệu đồng/năm học, gây khó khăn cho việc học tập.

Thủ tục rắc rối

Là sinh viên hệ tại chức năm thứ hai Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Nguyễn Văn Hiển thường trú tại xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định), phản ánh: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn. Được biết Chính phủ có chương trình hỗ trợ HS-SV nghèo được vay tiền để học tập, gia đình tôi đã làm hồ sơ xin được vay vốn để đóng học phí nhưng được trả lời “Học tại chức thì không được vay vốn”.

Ông Nguyễn Văn Thành, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), cho biết: “Gia đình tôi hiện có 2 con đang theo học ĐH (ĐH Y Dược Cần Thơ và Trường ĐH Cần Thơ), không có ruộng đất, thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng, lại nuôi bố mẹ già trên 80 tuổi. Thế nhưng, khi làm hồ sơ để vay vốn cho 2 con học tập nộp lên xã thì không được giải quyết cũng với lý do “Gia đình không có sổ chứng nhận là hộ nghèo”.

Trong khi đó, một số trường cũng cho rằng thủ tục vay vốn còn rắc rối, nhiều nơi còn yêu cầu phải có xác nhận của Hội phụ nữ, tổ tiết kiệm... rất mất thời gian của sinh viên và gia đình. Giấy xác nhận của HS-SV không do hiệu trưởng ký mà do phòng công tác HS-SV hoặc phòng đào tạo các trường ký là đúng quy định nhưng nhiều địa phương yêu cầu hiệu trưởng ký xác nhận thì mới làm thủ tục cho sinh viên vay.

Đối tượng được vay vốn

1- HS-SV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2- HS-SV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong 2 đối tượng sau: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật. 

3- HS-SV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Phạm Thị Liếu

Tin cùng chuyên mục