Tại cuộc thi Skills USA toàn nước Mỹ diễn ra ở thành phố Louisville - Kentucky, Văng Thị Kim Tước (ảnh, sinh viên người Việt Nam đang theo học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Riverside), đã xuất sắc giành huy chương vàng ngành thiết kế đồ họa.
Phần thưởng cho người chiến thắng gồm hiện vật, một chuyến đi tham quan triển lãm ngành in bao bì và đồ họa lớn nhất thế giới (Graph Expo) và khoảng 3.000USD. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất chính là sự thừa nhận của xã hội, nhờ đó sinh viên có cơ hội tìm được học bổng và công việc sau khi ra trường.
Chị cho biết cuộc thi năm nay có khoảng 15.000 người tham gia (bao gồm cả giáo viên hoặc giáo sư hướng dẫn, những người tình nguyện phục vụ, giám khảo), trong đó có 6.000 thí sinh tranh tài trong 99 ngành nghề. Tại khu vực thi của ngành đồ họa graphic communication, ban tổ chức mang đến 20 máy iMac 27 inch, 3 máy in offset 2 màu Heidelberg, 1 máy cắt, 3 máy xếp giấy và 7 dàn máy in kỹ thuật số. Sinh viên phải trải qua rất nhiều phần thi trên các máy móc hiện đại này mới có thể giành được chiến thắng. Do đó, kết quả vừa đạt được không chỉ là niềm tự hào của bản thân, gia đình chị mà còn cả đối với các du học sinh đang theo học tại đây. Đặc biệt hơn khi trước đó, chị cũng đã giành được huy chương vàng ngành đồ họa ở cấp tiểu bang, trở thành sinh viên xuất sắc nhất nước Mỹ năm 2015 trong ngành đồ họa.
Theo Kim Tước, tại Mỹ, một nhà thiết kế đồ họa ngoài việc sử dụng thành thạo các phần mềm còn phải học về mỹ thuật căn bản như tác động của màu sắc, hình ảnh, font chữ lên cảm giác của người xem, có khả năng vận hành các loại máy móc trong một xưởng in, học sâu về chất liệu như giấy, chiều của thớ giấy, tính thẩm thấu của mực in trên từng loại giấy, đặc biệt là hiểu rõ luật pháp về bản quyền và cả vấn đề đạo đức của một nhà thiết kế… Với khối lượng kiến thức đó, một người nước ngoài đến Mỹ học, ngay cả là từ một nước nói tiếng Anh như Canada, để có thể học bằng một người Mỹ bản xứ đã khó khăn. Kim Tước phải cần thời gian gấp ba lần bạn bè để học hành, vừa học, vừa tra từ điển. Không dừng lại ở đó, chị vẫn dành thời gian đi tình nguyện, coi đó là một động lực lớn lao để mình hăng say học tập, làm việc.
Chị cũng cho biết, ngành thiết kế quảng cáo ở Việt Nam hiện đang rất phát triển, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư đúng mức cho thiết kế mẫu mã sản phẩm và thiết kế bao bì. Vẫn còn khoảng 3 năm nữa mới tốt nghiệp, nhưng chị cho biết rất sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong công việc thiết kế, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm đã được học.
Dù cuộc sống gia đình còn nhiều “chông chênh” nhưng với chị niềm vui lớn là được học, được làm việc mà mình yêu thích. “Nhiều con người thành công, được thế giới trân trọng bởi họ rất yêu công việc của mình, đều dốc lòng - hết sức cho công việc, đều rất hiếu thảo và đều rất nhân hậu. Họ biết mình thích gì, muốn gì, sống vì cái gì, cần làm gì, đóng góp gì cho xã hội. Và mình tin, đó cũng là lẽ sống của bản thân mình”, Kim Tước chia sẻ thêm.
GIA QUẢNG