SmartHome- Công nghệ trong tầm tay

Nhà thông minh SmartHome là hệ thống các thiết bị điện tử gia dụng được kết nối với nhau thành mạng thiết bị và hoạt động theo các kịch bản, đáp ứng nhu cầu phong phú của con người, nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi, an toàn và tiết kiệm năng lượng. Công ty Đầu tư phát triển công nghệ Ngôi nhà thông minh Bkav SmartHome (một công ty thành viên của Bkav) đã nghiên cứu, phát triển hệ thống ngôi nhà thông minh SmartHome trong 7 năm qua và vừa đưa ra trình diễn trước công chúng.
SmartHome- Công nghệ trong tầm tay

Nhà thông minh SmartHome là hệ thống các thiết bị điện tử gia dụng được kết nối với nhau thành mạng thiết bị và hoạt động theo các kịch bản, đáp ứng nhu cầu phong phú của con người, nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi, an toàn và tiết kiệm năng lượng. Công ty Đầu tư phát triển công nghệ Ngôi nhà thông minh Bkav SmartHome (một công ty thành viên của Bkav) đã nghiên cứu, phát triển hệ thống ngôi nhà thông minh SmartHome trong 7 năm qua và vừa đưa ra trình diễn trước công chúng.

SmartHome- Công nghệ trong tầm tay ảnh 1

Nhà thông minh SmartHome nhìn từ giao diện của máy tính bảng

Bất ngờ với SmartHome

SmartHome đang được giới thiệu tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ – Hà Nội trong Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội 2010 nhằm quảng bá thành tựu và hình ảnh của đất nước trong dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm. Đây là một trong những công trình công nghệ cao hoàn toàn do các kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, được lựa chọn giới thiệu.

Tại triển lãm, khách tham quan được chứng kiến Bkav SmartHome thể hiện các tính năng và cơ chế hoạt động của ngôi nhà thông minh. Hệ thống chiếu sáng có khả năng hoạt động tự động tùy biến điều chỉnh ánh sáng, màu sắc… theo sở thích của người dùng.

Tại các khu vực trong ngôi nhà được lắp đặt các thiết bị cảm biến hồng ngoại phát hiện người. Đèn sẽ bật sáng khi có người và tắt khi không có người. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng còn được kết hợp với các thiết bị khác trong nhà như rèm cửa, âm nhạc, tiểu cảnh, thác nước… để tạo ra các hiệu ứng ánh sáng đặc biệt. Chẳng hạn, khi thiết bị chiếu phim hoạt động, hệ thống chiếu sáng sẽ tự động nhận biết và tắt các đèn chiếu sáng, giảm độ sáng các đèn trang trí xuống, đồng thời hệ thống rèm mành cũng tự động khép lại để tạo môi trường ánh sáng của một phòng chiếu phim.

Chưa hết, để tạo môi trường sống, sinh hoạt trong điều kiện tốt nhất, thông qua các thiết bị cảm biến, hệ thống giám sát môi trường trong ngôi nhà thông minh sẽ liên tục cập nhật lên Home Sever các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, lượng oxy… của từng khu vực trong ngôi nhà. Máy chủ sẽ phân tích các thông số này và ra lệnh điều khiển chế độ thích hợp đến các thiết bị như điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, quạt thông gió… nhằm duy trì trạng thái môi trường tốt nhất trong toàn bộ ngôi nhà.

Điều làm nhiều người thích thú hơn còn là hệ thống giải trí đa phương tiện Media. Chủ nhân của ngôi nhà thông minh có thể quản lý các thư viện âm nhạc, phim, ảnh của mình theo sở thích, đồng thời lựa chọn các chế độ phát nhạc, chiếu phim… theo các khoảng thời gian trong ngày. Và hệ thống an ninh trong ngôi nhà thông minh nắm giữ vai trò quan trọng, có khả năng kiểm soát các nguy cơ cháy, nổ, bị xâm nhập trái phép... Hệ thống này bao gồm các thiết bị kiểm soát vào ra (Access Control System - ACS), cảm biến phát hiện người, cảm biến phát hiện kính vỡ, hệ thống camera ghi hình (IP Camera), hàng rào điện tử…

Với tất cả những ứng dụng trên, nhà thông minh còn có khả năng liên kết hệ thống thiết bị và điều khiển theo kịch bản. Chẳng hạn, khi có mưa bão, cửa sổ có thể tự đóng, dây phơi tự thu vào; bình nước nóng tự bật đun nước trước buổi sáng hoặc trước giờ tan tầm; hệ thống tưới cây tự động hoạt động theo giờ; bể cá tự tắt/bật đèn, máy lọc nước và cho cá ăn…

Điều khiển trực quan với công nghệ đồ họa 3D

Nhà thông minh được hiểu là hệ thống các thiết bị điện tử gia dụng được kết nối với nhau thành mạng thiết bị và hoạt động theo các kịch bản tùy biến nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi, an toàn, tiết kiệm năng lượng.

Theo đó, một hệ thống nhà thông minh cơ bản bao gồm: Một máy tính điều khiển trung tâm, được gọi là máy chủ (Home Server), có nhiệm vụ kết nối các thiết bị với nhau và điều khiển toàn bộ hệ thống nhà. Thiết bị Client có thể là điện thoại di động, máy tính bảng (Tablet)… dùng để điều khiển và tương tác với ngôi nhà.

Các thiết bị gia dụng đầu cuối là những vật dụng điện tử trong gia đình như điều hòa, rèm, mành, hệ thống đèn, quạt thông gió, ti vi, lò vi sóng, bếp gas… Các thiết bị này được liên kết với nhau trong một hệ thống mạng thiết bị bằng các công nghệ truyền dữ liệu qua đường điện (Power line communication - PLC) hoặc không dây (ZigBee) và được kết nối trực tiếp đến Home Server. Hệ thống các phần mềm điều khiển ngôi nhà cài đặt trên Home Server, trên các thiết bị Client và thiết bị điện tử gia dụng đầu cuối.

Để sử dụng, điều khiển các thiết bị điện tử gia dụng trong hệ thống ngôi nhà thông minh, người dùng sẽ tương tác trên giao diện Client như máy tính bảng hay SmartPhone. Giao diện màn hình cảm ứng của các thiết bị Client này được thiết kế sử dụng đồ họa 3D với công nghệ điều khiển trực quan, mô phỏng lại toàn bộ ngôi nhà cùng các thiết bị trong gia đình.

Công nghệ này giúp chủ nhân dễ dàng điều khiển các thiết bị như đang sử dụng thực tế. Chẳng hạn, muốn mở rèm cửa ở phòng khách, người dùng chỉ cần di chuyển đến khu vực này trên màn hình cảm ứng và ra lệnh mở rèm theo vị trí mong muốn. Đây được gọi là điều khiển trực quan với công nghệ đồ họa 3D. Chính vì thế, trên các màn hình Client, những thông tin như trạng thái sử dụng của các thiết bị, nhiệt độ trong nhà, nhiệt độ ngoài trời, tình trạng an ninh… cũng được cung cấp đầy đủ.

Chính vì thế, một buổi sáng vội đi làm, chủ nhân của ngôi nhà thông minh ra khỏi nhà nhưng sực nhớ mình chưa tắt bếp gas với ấm nước sắp sôi vẫn đặt trên bếp. Thay vì phải quay về nhà để xử lý, có thể tắt bếp gas bằng chính điện thoại di động của mình bởi ngôi nhà đã được ứng dụng hệ thống nhà thông minh SmartHome.

Hay nói cách khác, chủ nhân của hệ thống nhà thông minh có thể kiểm soát, điều khiển ngôi nhà cũng như các thiết bị trong nhà bằng nhiều phương tiện như điện thoại di động, laptop… thông qua việc sử dụng các công nghệ kết nối Wifi, 3G, SMS, GPRS.

Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc Công ty Bkav SmartHome còn cho biết: “Hệ thống ngôi nhà thông minh SmartHome sử dụng công nghệ tùy biến kịch bản, cho phép cấu hình hệ thống hoạt động theo những kịch bản bất kỳ. Việc thêm các thiết bị theo nhu cầu sử dụng của chủ nhà có thể thực hiện dễ dàng chỉ bằng việc khai báo trên hệ thống.

Ngoài ra, SmartHome còn sử dụng các công nghệ truyền thông mới nhất như PLC (truyền dữ liệu qua đường điện) và Zigbee (truyền dữ liệu không dây) cho phép việc triển khai hệ thống dễ dàng trên các ngôi nhà đã xây từ trước mà không phải sửa lại ngôi nhà”.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục