Theo TS-BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức cấp cứu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, hiện nay việc sơ cứu tại chỗ trước khi chuyển đến bệnh viện đối với bệnh nhân bị rắn độc cắn có nhiều trường hợp xử trí sai lầm.
Cụ thể như: chích rạch và hút nọc ở vết cắn; băng ga rô động mạch thật chặt; bôi hóa chất, chườm lạnh hoặc chích điện tại vị trí vết cắn, đổ dầu vào đường hô hấp của bệnh nhân, bôi các loại lá cây lên vết thương v.v… Những cách xử trí trên chẳng những không giúp ích gì nhiều cho bệnh nhân mà còn làm tăng các nguy cơ khác gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bị rắn cắn.
Rắn lục đuôi đỏ
Cũng theo TS-BS Đỗ Quốc Huy, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 135 loài rắn, trong đó 25% là rắn độc. Nếu bị rắn cắn, cách phân biệt sơ bộ để biết đó là rắn độc hay rắn lành là nhìn vết răng. Nếu tại vết cắn của bệnh nhân không thấy vết răng nanh mà chỉ có nhiều vết chấm hình vòng cung thì đó là rắn lành. Hoặc nếu bị rắn cắn sau 15 - 30 phút mà không đau, không phù, chỗ bị cắn không tê bại thì cũng không phải là rắn độc. Nhưng nếu tại vị trí cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5mm - 15mm và một số vết răng nhỏ thì đó là rắn độc. Một điều cần nên biết là không nên cầm rắn, kể cả rắn sống hay rắn chết, vì ngay cả khi đầu rắn bị chặt rồi vẫn có thể cắn.
NHƯ NGỌC