Để phục vụ tốt cho việc hoạch định chính sách, đối với bất cứ quốc gia nào cũng vậy, các số liệu thống kê trên nhiều lĩnh vực luôn cần có sự chính xác tuyệt đối, hoặc chí ít cũng phải là số liệu gần đúng nhất trong khả năng có thể. Tuy nhiên, xem hoặc nghe báo cáo về các số liệu thống kê ở nước ta thời gian gần đây không ít lần tôi phải tự đặt cho mình câu hỏi: Các con số thống kê là thật hay ảo; để phục vụ cho ai và cho cái gì? Chẳng hạn như số nợ công của nước ta, các cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm đưa ra những con số khác nhau và giữa các con số đó có sự chênh lệch rất lớn. Tỷ lệ nợ xấu cũng vậy, trong cùng một thời điểm, nhưng các cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm lại cung cấp những số liệu chẳng trùng khớp nhau.
Về tình trạng thất nghiệp, theo công bố chính thức ngày 24-12-2012 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta chỉ có 1,99% (trong đó tỷ lệ lao động ở thành thị thất nghiệp là 3,25%, ở nông thôn là 1,42%). Trong tình hình sản xuất đình đốn hiện nay, hơn 1/3 tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước đã phải giải thể hoặc ngưng hoạt động, rất nhiều thanh niên ở nông thôn (cả nam lẫn nữ) không có việc làm, phải ra thành thị làm đủ mọi việc tạm bợ để kiếm sống, không nói ra thì ai cũng biết những con số nêu trên là không thực tế, có lẽ dùng để “báo cáo thành tích” cho… dễ nghe (?!). Trong khi đó, nước giàu nhất thế giới là Mỹ (GDP năm 2012 hơn 15.600 tỷ USD) luôn cập nhật và công khai con số thất nghiệp hàng tháng của họ. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4-2013 ở Mỹ là 7,5%, là con số thấp nhất kể từ tháng 12-2008 đến nay (theo tin của Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 4-5-2013). Nghĩa là đã nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bao giờ dưới con số 7,5% (Mỹ có khoảng 315 triệu dân). Trong khi một nước nghèo như Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp lại chưa tới 2%, mọi người đều thấy đó là chuyện rất khó tin!
Một khi các con số thống kê đưa ra thiếu khách quan, không trung thực, mục đích chỉ nhằm “làm đẹp” báo cáo thành tích (và để nhận khen thưởng) chứ không nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách đúng đắn (kể cả cảnh báo khi cần thiết) thì việc trì trệ, lạc nhịp trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống và niềm tin của dân là điều có thể thấy trước. Do vậy, cần sớm chấn chỉnh cách làm này.
BIÊN HÀ
(Bình Thạnh, TPHCM)