Sổ tay: Cải thiện môi trường đầu tư

Cải thiện môi trường đầu tư, vấn đề ngân hàng và nợ xấu, vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nút thắt hạ tầng... là những vấn đề được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 vừa diễn ra đầu tháng 6.

Theo kết quả điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam thực hiện đầu năm 2013, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã cải thiện, với chỉ số tăng từ 35 lên 48 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình và các doanh nghiệp châu Âu đều bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại.

Cũng liên quan đến môi trường đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam không tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể tiếp tục giảm và sẽ khó cạnh tranh với các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Cũng liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong việc thu hút đầu tư, mới đây tại hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ KH-ĐT đã nêu ra nhiều nguyên nhân như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư nước ngoài. Hệ thống luật pháp, chính sách và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ, chưa thực sự minh bạch, thiếu nhất quán và hay thay đổi…

Trong khi đó, một số nhà đầu tư lại cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất trong việc kìm hãm sự phát triển kinh tế, cũng như vấn đề thu hút đầu tư là nhà nước quá “ưu ái” đối với các DNNN thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp, trong khi các DNNN thường không hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, những vấn đề về ngân hàng và nợ xấu, cũng như tệ tham nhũng, quản lý kém, khó khăn trong việc giải thể các DNNN hoạt động kém hiệu quả là những yếu tố làm cho Việt Nam để tuột mất những cơ hội trong quá trình thu hút các dự án đầu tư.

Để giải bài toán về thu hút đầu tư, hơn lúc nào hết, nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa định hướng ưu tiên thu hút với các chính sách khuyến khích cụ thể. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư theo hướng đồng bộ, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Quốc hội cần sớm xem xét thông qua việc giảm mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp phổ thông ở mức thấp, cũng như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư mới và các dự án đầu tư mở rộng trong khu công nghiệp và khu chế xuất.

Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông ra vào các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đồng thời giảm lãi suất tín dụng; đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh hơn nữa.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục