Sổ tay: Chạy đua tiến độ?

Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và học viện trong cả nước yêu cầu thực hiện rà soát chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo cũng như biên soạn, lựa chọn giáo trình phù hợp, hướng đến mục tiêu vào năm 2015, tất cả các trường đều có đủ giáo trình các môn học.

Để làm được điều đó, trước mắt, các trường cần rà soát số lượng giáo trình hiện có, số môn học thừa/thiếu tài liệu tham khảo, tỷ lệ sinh viên mượn hoặc sử dụng giáo trình tại thư viện. Từ đó làm cơ sở biên soạn, lựa chọn giáo trình phù hợp với nhu cầu và thực tiễn học tập của sinh viên. Trong đó, cơ quan chủ quản đặc biệt nhấn mạnh vai trò tham gia xây dựng chuẩn đầu ra và nội dung chương trình đào tạo của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và sử dụng lao động, cũng như sự phối hợp giữa các trường, chuyên ngành cùng lĩnh vực đào tạo trong việc biên soạn giáo trình.

Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng giúp giải quyết bài toán chất lượng đào tạo ĐH - bậc học được xem là “đói” giáo trình nhất hiện nay. Một vài số liệu thống kê gần đây cho thấy, nếu như ở tiểu học, học sinh lớp 1 có 80 đầu sách (20 cuốn SGK, 60 sách tham khảo) trải đều cho các môn học thì từ lớp 2 trở đi, con số này lên đến 100-500 đầu sách cho mỗi cấp lớp. Trong khi đó ở bậc ĐH, không có bất kỳ người có trách nhiệm nào của ngành giáo dục dám khẳng định mỗi môn học có một giáo trình dùng riêng cho tất cả các trường ĐH. Song, cũng chính vì lẽ đó khiến nhiều người lo ngại, từ đây đến hết năm 2015, liệu các trường có kịp chuẩn bị nguồn lực biên soạn giáo trình riêng cho từng môn học. Nhất là trong tình hình “cơm áo không đùa với khách thơ”, trường công loay hoay đầu tư cơ sở vật chất, giữ chân giảng viên giỏi, trường tư vất vả giải bài toán thu hút người học cho vừa chiếc áo chỉ tiêu. Một vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” hơn 20 năm qua làm thế nào giải quyết một sớm một chiều trong một định lượng thời gian ngắn ngủi?

Không biết vô tình hay cố ý, chủ trương này cũng trùng khớp với kế hoạch biên soạn lại chương trình, bộ SGK giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp và phân hóa vào năm 2015. Nói như PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nếu như cơ cấu lại chương trình theo phương pháp giảng dạy mới cần có thời gian đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Nếu đào tạo mới, dù mở khóa đào tạo ngay từ năm nay cũng phải mất ít nhất 4 năm, lứa sinh viên đầu tiên ra trường vào năm 2017, chắc chắn không thể kịp trước năm 2015. Bất cập này, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM  Nguyễn Hoài Chương, trong phần trả lời chất vấn của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu rõ là do cách làm nặng tính hành chính, chạy đua cải cách cho kịp tiến độ khiến mục tiêu đặt ra cho toàn ngành hết sức cập rập. Nếu hoàn thành theo đúng tiến độ khi chưa có sự chuẩn bị nguồn lực rõ ràng sẽ càng nguy hiểm, gây lãng phí lớn về tiền bạc, công sức thực hiện của toàn xã hội.

Tóm lại, không thể phủ nhận tính cần thiết của các chủ trương đổi mới, song tiến hành thế nào, cần thời gian và nguồn lực ra sao cần có kế hoạch chuẩn bị rõ ràng. Nếu không, chúng ta sẽ mãi luẩn quẩn trong bài toán… cải lùi.

Thanh Thu

Tin cùng chuyên mục