Cơn mưa chiều ngày 1-5 tuy không lớn và thời gian mưa cũng không lâu nhưng gây ngập nặng nhiều tuyến đường tại khu vực Bàu Cát (thuộc các phường 10, 11, 14, 17…, quận Tân Bình, chỉ 15 phút sau khi mưa. Ngập nặng nhất là tuyến đường Đồng Đen, Âu Cơ, Bàu Cát, Bàu Cát 1 đến Bàu Cát 9. Nước từ khắp nơi đổ về biến những con đường này thành sông. Mùi hôi thối bốc lên khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh khó khăn trong mọi sinh hoạt. Người dân ở khu vực này cho biết, trước kia những lúc mưa lớn nước rút không kịp nên gây ngập, sau vài tiếng đồng hồ là rút ngay, nhưng bây giờ mưa chỉ mươi phút, không những đường chính mà hẻm cũng ngập. Theo người dân sống ở đây, sở dĩ có tình trạng ngập nặng như hiện nay là do đơn vị thi công tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm làm hạn chế dòng chảy của tuyến cống đường Đồng Đen. Trước đây, ngay đầu đường Đồng Đen với Âu Cơ đặt máy bơm để hút nước mỗi khi trời mưa nhằm hạn chế ngập cho khu vực trên. Hiện nay, máy bơm không còn hoạt động nên ngập là điều dễ hiểu.
Mục tiêu của dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (chảy qua 4 quận: Tân Bình, Tân Phú, 11 và 6). Công trình tập trung vào 2 hạng mục chính là đặt cống hộp đoạn từ đường Âu Cơ (Tân Phú) đến cầu Hòa Bình (quận 11) dài 3km và cải tạo 7,4km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, 12km đường được làm mới. Ngoài ra, mục tiêu của dự án là mở rộng kênh, nắn dòng chảy (xây cống hộp kín), nạo vét bùn, đắp bờ kênh, xây tường ngăn lũ, cải tạo đường rộng từ 6 - 20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư và các cơ sở sản xuất vốn gây ô nhiễm cho dòng kênh nay được chảy ngầm trong lòng cống.
Theo Trung tâm chống ngập, qua theo dõi các trận mưa từ năm 2012 đến nay, các tuyến đường trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm như: Hòa Bình, Bàu Cát, Đồng Đen, Trương Công Định… bị ngập nước thường xuyên khi có mưa (15 lần ngập), đặc biệt đường Hòa Bình (từ Lạc Long Quân đến kênh Tân Hóa) thời gian ngập kéo dài từ 10 - 15 giờ và chiều sâu ngập từ 30 - 50cm, ảnh hưởng đời sống người dân trong khu vực các quận 11, Tân Phú và Tân Bình. Nguyên nhân do việc thực hiện dự án thành phần 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư đang triển khai thi công gói thầu xây lắp số 1, 2 và 3 (lấp kênh, thay thế bằng cống hộp có kích thước từ 2m x 2,5m x 3m đến 4m x 2,5m x 3m). Trong khi đó, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khoảng 1.446ha nhưng đơn vị thi công dẫn dòng thi công không đảm bảo thoát nước.
Để đảm bảo thoát nước lưu vực kênh Tân Hóa trong mùa mưa, UBND TPHCM đã chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị nghiên cứu thực hiện một số giải pháp như: Tăng tiết diện hệ thống dẫn dòng và tận dụng khoảng không hai bên hố móng để tăng cường dẫn dòng khi có mưa lớn. Hạ cao độ hai bên hố móng để tận dụng thoát nước khi bị ngập sâu cho khu vực. Đấu nối liền tuyến cống Lũy Bán Bích để tăng cường công tác dẫn dòng tại 3 vị trí: Ngã tư Lũy Bán Bích và Hòa Bình, Trịnh Đình Thảo, Huỳnh Thiện Lộc... Chủ động điều động phương tiện cơ giới, máy bơm nước, nhân lực, kịp thời ứng cứu, khai thông lòng kênh Tân Hóa khi có mưa lớn để đảm bảo thoát nước cho khu vực.
Quốc Hùng