Vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp cùng Ban An toàn giao thông TP và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Tăng cường thực hiện quy định đội nón bảo hiểm đối với trẻ em”.
Kết quả sau hơn 3 năm thực hiện, tỷ lệ trẻ em đội nón bảo hiểm (NBH) khi tham gia lưu thông đã tăng từ 22% lên 60%, có nơi đến 70%, 80%, xử phạt 4.035 trường hợp vi phạm, tập trung nhiều ở các quận 1, 9, 12, Bình Tân và Gò Vấp.
Để đạt được kết quả đó, các địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền kết hợp với xử phạt nhằm nâng cao ý thức đội NBH cho học sinh. Trước cửa các cổng trường học, rất nhiều băng rôn, áp phích được treo với nội dung nhắc nhở ý thức đội NBH, kêu gọi bằng loa phát thanh, băng đĩa, tờ rơi… Nếu phát hiện trường học có học sinh không đội NBH, đơn vị đó sẽ bị trừ điểm đánh giá thi đua cuối năm. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường dành từ 5 - 10 phút vào mỗi giờ chào cờ để phổ biến kiến thức về an toàn giao thông, trong đó có quy định đội NBH.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, hiện nay vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ học sinh đội NBH ở các quận trung tâm và các huyện ngoại thành. Sau các đợt phối hợp tuyên truyền, tỷ lệ học sinh đội NBH ở các quận 1, Gò Vấp đã nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên ở các quận 9, 12 và Bình Tân vẫn còn nhiều học sinh chưa có ý thức đội NBH. Đồng quan điểm, Th.S Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM, kiến nghị nên rải đều công tác tuyên truyền ở 24 quận, huyện nhằm nâng cao ý thức đội NBH cho tất cả học sinh trên địa bàn TP.
Ngoài ra, đại diện đến từ Phòng GD-ĐT quận 9 cũng bày tỏ, nếu chỉ tiến hành hạ hạnh kiểm của học sinh vi phạm sẽ không đạt hiệu quả cao vì lỗi không đội NBH phần lớn thuộc về ý thức của phụ huynh chứ không phải xuất phát từ sự chủ động của học sinh. Do đó, vị này kiến nghị Ban An toàn giao thông TPHCM xem xét nâng cao mức xử phạt chủ các phương tiện chở trẻ em không đội NBH nhằm đề cao tính răn đe, giải quyết tận gốc vấn đề. Mặt khác, đại diện Phòng CSGT quận Bình Tân nêu ý kiến, ngoài việc xử lý người tham gia giao thông không đội NBH cho trẻ em còn phải giải thích, vận động người dân tìm hiểu những tác hại của việc không đội NBH. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với kiến nghị nên xem NBH là một trong những phương tiện học tập của học sinh ở trường, giống như cặp táp, khăn quàng đỏ. Theo đó, các trường nên tổ chức thao tác đội NBH đồng loạt cho học sinh vào mỗi giờ tan học, cũng như trang bị hộc tủ, kệ treo NBH để không gây phiền hà cho việc đem NBH vào lớp cất của học sinh.
Kiến nghị nhiều là thế, song xem ra tất cả giải pháp trên đều cần có sự phối hợp, chung tay của nhiều đơn vị, thuộc các lĩnh vực công tác khác nhau. Chỉ khi có sự đồng lòng hiệp sức, việc nâng cao tỷ lệ trẻ em đội NBH mới được cải thiện rõ rệt. Đồng thời, hiệu quả lan tỏa từ chương trình sẽ góp phần xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về giáo dục, sự chăm lo về mặt sức khỏe cho người dân ở các quận, huyện trên cùng địa bàn TP. Nhưng để làm được điều đó, hành trình phía trước còn rất dài…
Thanh Thu