Sổ tay: Da giày về đích nhưng không vui!

Ngành da giày Việt Nam đã về đến đích an toàn với mốc xuất khẩu đạt khoảng 5 tỷ USD trong năm 2010. Đây cũng là một cố gắng của ngành da giày để có được tăng trưởng 15% - 20%, so với 4,1 tỷ USD trong năm 2009.

Tuy nhiên, đây là con số không vui của ngành da giày vì với đà tăng trưởng cao liên tục trong các tháng của quý 3 và quý 4-2010, ngành da giày đặt kỳ vọng sẽ đạt khoảng 5,2 - 5,4 tỷ USD. Một trong những trở ngại thấy rõ của da giày Việt Nam là vẫn bị kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da vào thị trường EU.

Từ năm 2006, giày mũ da của Việt Nam vào thị trường EU gặp nhiều khó khăn khi bị áp thuế CBPG 10% (chưa cộng với mức thuế hiện hành). Hoạt động sản xuất, xuất khẩu giày dép của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam càng khó khăn hơn khi EU chấm dứt thuế quan ưu đãi cho các nước nghèo (GSP) từ ngày 1-1-2009. Hiện EU vẫn là thị trường tiêu thụ chính của da giày Việt Nam, chiếm khoảng 55% tổng thị phần xuất khẩu hàng da giày của Việt Nam.

So với các nước xuất khẩu da giày lớn trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia thì da giày Việt Nam mất thế cạnh tranh vì những nước này vẫn còn được hưởng chính sách ưu đãi GSP và không bị áp thuế chống bán phá giá. Các chuyên gia kinh tế nhận định, có thể, xuất khẩu da giày của Việt Nam vào EU sẽ “dễ thở” hơn khi EU và ASEAN ký kết thỏa thuận thương mại (FTA) vào thời gian tới.

Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, đơn hàng sản xuất cho doanh nghiệp da giày hiện nay rất nhiều tuy nhiên cũng giống như nhiều ngành có sử dụng nhiều lao động, da giày cũng rơi vào cảnh thiếu lao động nghiêm trọng. So với ngành dệt may thì da giày có phần khó khăn hơn.

Theo bà Liên, hầu hết doanh nghiệp da giày trong nước đều gia công nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, chi phí đầu vào sản xuất tăng như hiện nay thì việc đàm phán để tăng giá của doanh nghiệp da giày rất khó. Nếu nhà nhập khẩu chịu tăng giá, mức tăng đó sẽ rất nhỏ giọt. Tình hình sản xuất vẫn tốt nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Theo đánh giá, hiện nay cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp da giày, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên 60%, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chủ yếu tập trung vào khoảng 50 doanh nghiệp lớn. 

Ngành da giày Việt Nam cũng đã bàn tính nhiều đến việc đầu tư công nghệ, nguyên phụ liệu để phát triển, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành da giày. Tuy nhiên, so với ngành dệt may – ngành cũng sử dụng nhiều lao động và chủ yếu gia công xuất khẩu thì da giày có nét đặc thù hơn và khó có cơ hội để bứt phá như dệt may.

Với tình hình hiện nay, có nhiều khả năng da giày sẽ bị thủy sản vượt mặt về kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đã rất quyết tâm trong đầu tư, phát triển ngành da giày trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020. Và vấn đề quan tâm đầu tư hàng đầu là việc phát triển thiết kế mẫu mã sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực để đưa ngành dệt may và da giày Việt Nam trở thành ngành công nghiệp thời trang, có nhiều thương hiệu phát triển tốt tại thị trường nội địa và nước ngoài.

Theo quy hoạch phát triển của ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm 2015 sẽ đạt khoảng 9,1 tỷ USD, đến năm 2020 là 14,5 tỷ USD và năm 2025 đạt 21 tỷ USD. Từng bước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% - 65%, năm 2020 đạt 75% - 80% và năm 2025 đạt 80% - 85%. Để đầu tư phát triển ngành, trong giai đoạn 2011 - 2020, cần khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong nước chiếm khoảng 43%, còn lại là kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Hà Nhai

Tin cùng chuyên mục