Anh K., giảng viên trường S. than phiền các sinh viên của anh thường rất “ngoan ngoãn” tiếp nhận những bài giảng mà ít khi nào “cãi” lại thầy cô. Hầu như chưa có sinh viên nào phản biện lại hay đặt câu hỏi nghi ngờ kiến thức được cung cấp lấy từ nguồn nào, tại sao lại như thế hay thảo luận, đưa ra quan điểm riêng của mình… Anh kể có lần do nhớ nhầm nên dạy sai một chi tiết trong bài giảng. Hình như cũng có vài bạn sinh viên nhận ra nhưng tuyệt nhiên không thấy bạn nào thắc mắc hay phản biện lại.
Hiện nay cách dạy từ mẫu giáo đến đào tạo đại học đều theo phương pháp giống nhau với mô hình “thầy đọc - trò chép” và quan niệm “trò giỏi tức là chăm ngoan, thuộc bài, nghe lời”, chủ yếu tập trung để làm sao vượt qua các kỳ thi mà thiếu sự định hướng khuyến khích người học cách động não tự suy nghĩ, tự học.
Phương pháp này được duy trì từ tiểu học lên THPT, thậm chí cả lên đại học vẫn còn tình trạng đọc chép, sinh viên ra sức học thuộc lòng các kiến thức để đối phó với các kỳ thi. Trong môi trường đó, họ ngại đặt câu hỏi, ngại nghĩ khác đi khỏi khuôn khổ những điều được dạy, ngại “cãi” để làm rõ vẫn đề chưa hiểu…
Ngành giáo dục đã triển khai nhiều phong trào đổi mới phương pháp giáo dục với phương châm phát huy sự độc lập, sáng tạo của học sinh như: lấy người học làm trung tâm, nói không với đọc - chép, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học… Tuy nhiên, hiện tại hiệu quả chỉ mới dừng lại ở việc thay việc viết tay bằng vi tính. Thay tình trạng “đọc - chép” thành “nhìn - chép”… Còn cái cốt lõi và quan trọng hơn là rèn luyện tư duy độc lập, làm sao để người học biết đánh giá thông tin, có quan điểm riêng, biết phản biện để làm rõ vấn đề… lại chưa được chú trọng
SƠN TRÀ