Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), từ cuối tháng 7 đến nay giá thịt heo có dấu hiệu chựng lại và giảm xuống. Ở miền Nam giảm 4%, miền Bắc và Trung lần lượt là 1% và 2%; giá gà công nghiệp và gà thả vườn tháng 7 cũng giảm so với tháng 6. Trong đó, miền Nam giảm mạnh nhất từ 29% đến 30,4%, miền Bắc ít hơn (giảm 1,3% và 2,1%).
Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 6, giá các sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng, về con số tuyệt đối, nhóm giá thịt heo tăng cao nhất và tăng đột biến vào tháng 5, 6 (heo hơi xuất chuồng tăng 54,1-71,2%), gà thịt công nghiệp tăng 47,9-102,2%, thịt bò tăng 39,3%. Nhận định của Cục Chăn nuôi từ nay đến cuối năm 2011, giá thịt các loại sẽ giảm nhẹ và lập mặt bằng giá mới. Dù vẫn ở mức cao nhưng sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm từ 10%-15%.
Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cho rằng, diễn biến thịt gia súc, gia cầm trên thị trường đến Tết Âm lịch vẫn khó lường. Bởi việc tăng giá các sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, giá thành chăn nuôi chỉ tăng khoảng 20% nhưng giá bán ra thị trường tăng 50%-70%, thậm chí 100%. Nhiều người trong ngành đều nhận thấy giá thịt heo hơi tăng mạnh thời gian qua chủ yếu là do làm giá. Chỉ những đại gia có khả năng chi phối, quyết định giá thị trường mới làm được.
Tại buổi họp về bình ổn chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức tuần qua, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi xem xét giảm bớt lợi nhuận bằng cách giảm giá bán để giúp ổn định tình hình. Hy vọng lời kêu gọi này có tác dụng, nhằm góp phần bình ổn giá thịt các loại cho người dân cả nước. Nhưng theo nhận định của nhiều người, không thể kêu gọi chung chung được bởi lợi nhuận luôn là mục đích hàng đầu của nhà đầu tư, đặc biệt là trước đó đã trải qua đợt dịch bệnh heo tai xanh kéo dài, gây nhiều thiệt hại.
Vấn đề là cần có giải pháp phù hợp và kịp thời để cân đối cung cầu như ưu tiên vận chuyển, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… Nếu muốn bình ổn chăn nuôi thì phải bình ổn giá thức ăn chăn nuôi thông qua chính sách điều tiết thuế quan. Và lâu dài hình thành cho được chuỗi chăn nuôi nhằm giải quyết 4 vấn đề cơ bản: dịch bệnh, quy hoạch vùng, thức ăn chăn nuôi và giá bán.
Đăng Lãm