Anh bạn tôi, nhân viên phụ trách hệ thống mạng ở một huyện ngoại thành, luôn than phiền vì trưởng phòng “khó tính”. 12 giờ đêm gọi điện cho nhân viên đến khắc phục sự cố, tưởng lỗi kỹ thuật gì phức tạp nhưng chỉ là hở cái công tắc điện cắm nguồn. Rồi chuyện khác, cách đây ít hôm bạn tôi đang đi công tác ở một địa phương khác thì bị trưởng phòng gọi về khẩn cấp khắc phục máy tính để hoàn thiện văn bản báo cáo lên trên.
Gấp gáp vượt 20km về nhà, hóa ra sếp không gõ được văn bản bằng tiếng Việt vì cài sai font chữ. Hỏi người khác thì ngại, thôi tốt nhất cứ gọi cấp dưới của mình. Lần gần đây nhất là chuyện sếp soạn thảo một văn bản để sáng hôm sau trình cơ quan, không biết thế nào mà văn bản biến mất, anh trưởng phòng còn nóng tính và nghi ngờ có ai xóa của mình. Kết quả, thủ phạm là… trưởng phòng bởi lưu nhầm.
Có vô số những chuyện bi hài do trưởng phòng hiểu lơ mơ về máy tính và internet, vậy mà trong các cuộc họp thì luôn phê bình “một số đồng chí trong cơ quan không chịu học vi tính”, rồi còn đề nghị tổ chức cuộc thi “soạn thảo văn bản” mà trưởng phòng nằm trong thành phần ban giám khảo. Rồi một lần khác, phó phòng viết một bài báo khoa học để gửi một tạp chí trung ương, sau khi viết xong anh này yêu cầu nhân viên đánh máy in ra và gửi thư bằng đường bưu điện đến tòa soạn. Tại sao không gửi email? Hóa ra do anh phó phòng vì ngại hỏi cấp dưới nên đến giờ vẫn không biết gửi thư điện tử!
Trang bị máy tính và kết nối internet hiện nay ở các cơ quan nhà nước được phổ cập từ cấp xã phường, thị trấn đến cấp quận huyện… Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp dưới lơ mơ về máy tính và internet, không phải vì không có khả năng mà do lười biếng, không chịu học tập nâng cao trình độ, ỷ y công việc máy tính đã có người khác phụ trách. Đành rằng, chuyên môn máy tính phải có người hiểu biết chuyên sâu nhưng những kiến thức, thao tác cơ bản thì mỗi cán bộ, công chức cần phải biết, nhất là khi chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình Chính phủ điện tử.
Hoàng Văn