Sổ tay: Kỳ vọng và khoảng cách

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở các cơ quan nhà nước góp phần nâng cao năng lực quản lý và đổi mới phương thức làm việc, thúc đẩy cải cách hành chính, hướng đến nền hành chính công minh bạch, hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở các cơ quan nhà nước góp phần nâng cao năng lực quản lý và đổi mới phương thức làm việc, thúc đẩy cải cách hành chính, hướng đến nền hành chính công minh bạch, hiệu quả.

Hiểu rõ tầm quan trọng này, thời gian qua, lãnh đạo TPHCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, đồng thời cũng dành khoản kinh phí nhất định cho lĩnh vực này. Năm 2013, TPHCM chi cho chính quyền điện tử tăng gấp 3 lần so với kế hoạch hàng năm, khoảng 300 tỷ đồng. TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước có cổng thông tin “Một cửa điện tử” để công khai minh bạch trình trạng giải quyết thủ tục hành chính cho dân. Chính quyền điện tử của TP đã thực hiện được 1.012 dự án. Số lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng lên với mức độ 2: 2.362 dịch vụ; mức độ 3: 20 dịch vụ và mức độ 4: 4 dịch vụ...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, hiệu quả ứng dụng CNTT tại các sở ngành, quận huyện hiện nay chưa đồng đều, nơi làm tốt, nơi làm qua loa hình thức. Các ứng dụng phục vụ nhân dân còn nhiều hạn chế như thông tin chậm, dịch vụ còn ít ỏi… nên chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, nhiều tồn tại được đặt ra từ nhiều năm như vấn đề chức danh, chế độ, chính sách ưu đãi nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn chưa có, dù tổng số cán bộ CNTT chuyên trách trong cơ quan quản lý nhà nước có khoảng 300 người, trong đó 80% trình độ đại học. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo CNTT (giám đốc CNTT) ở các đơn vị chưa thật sự quan tâm và phát huy vai trò của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý tại đơn vị nên việc triển khai và áp dụng ứng dụng CNTT chưa đồng đều và phát huy hết hiệu quả.

TPHCM đang chuyển đổi dần nền tảng công nghệ từ nguồn đóng sang nguồn mở nhằm đảm bảo an ninh thông tin, tiết kiệm kinh phí và tích hợp các phần mềm trên cùng một nền tảng công nghệ nhằm tiết giảm thời gian tiến đến chính quyền điện tử. Song, TP vẫn chưa có cơ chế, chính sách nào thúc các đơn vị triển khai, sử dụng phần mềm nguồn mở cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi đầu trong việc xây dựng và phát triển phần mềm nguồn mở. Đặc biệt, nhiều chương trình, ứng dụng tại các sở ngành, quận huyện phục vụ trực tiếp cho lợi ích nhân dân nhưng… người dân vẫn chưa “bắt nhịp” cùng giao dịch tương tác bởi các đơn vị chưa linh động mời gọi người dân tham gia.

TPHCM đang nỗ lực hướng đến nền hành chính hiện đại, thiết nghĩ, những vấn đề này cần được xem xét, giải quyết kịp thời. 

HUY ANH

Tin cùng chuyên mục