Sổ tay: “Nhóm lợi ích” trong đấu thầu thuốc

Việc giá thuốc tăng chóng mặt ở các bệnh viện trong thời gian qua rất đáng báo động. Trong đó, có một phần không nhỏ của những phiên đấu thầu nặng tính “nhóm lợi ích”, tư túi cho các cá nhân ngành y tế.

Việc giá thuốc tăng chóng mặt ở các bệnh viện trong thời gian qua rất đáng báo động. Trong đó, có một phần không nhỏ của những phiên đấu thầu nặng tính “nhóm lợi ích”, tư túi cho các cá nhân ngành y tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá thuốc tăng làm những gia đình có người thân đang điều trị bệnh thêm khổ. Song, nguyên nhân dễ thấy nhất là các bệnh viện “hào phóng” chọn các doanh nghiệp đưa ra giá thuốc cao trúng thầu. Đây có thể gọi là sự “lơ đãng” thiếu trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện hay hành vi trục lợi “hoa hồng phần trăm” đằng sau các hợp đồng trúng thầu? Thời gian qua, đã có những bệnh viện ở nhiều địa phương khác nhau bị xử lý sai phạm trong khâu đấu thầu các lô hàng thuốc. Nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe nên gần đây lại có đơn vị sai phạm.

Hiện nay, dư luận ở ĐBSCL đang quan tâm đến cách hành xử của Bộ Y tế, địa phương và cơ quan chức năng về những sai phạm của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ  cũng xung quanh câu chuyện “lơ đãng” khó hiểu trong đấu thầu giá thuốc. Cụ thể, chuyện lùm xùm về BVĐK Trung ương Cần Thơ đã xuất hiện từ năm 2009. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh vụ việc xung quanh những khuất tất trong đấu thầu giá thuốc của bệnh viện này. Qua xác minh, ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ đã ký 3 quyết định cùng số, khác ngày, có số tiền chênh nhau 120 tỷ đồng. Đoàn thanh tra cũng kết luận, hội đồng xét thầu của bệnh viện đã không thực hiện đúng quy định tại điều 36 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH ngày 29-11-2005 của Quốc hội ban hành làm rõ hồ sơ dự thầu như sau: Nhà thầu không được thay đổi, bổ sung hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu. Ông Đặng Quang Tâm thừa nhận, có một số mặt hàng cho trúng thầu sai luật bởi phải cho trúng thầu để trả nợ vì bệnh viện đã lỡ mượn thuốc trước đó để sử dụng và cho trúng thầu vì thuốc đã sử dụng quen ở bệnh viện (?).

Có lẽ, vụ việc liên đới đến BVĐK Trung ương Cần Thơ cũng cần chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ sai phạm và xử lý nghiêm minh. Nếu không, cứ “dung dưỡng” để những cán bộ mắc sai phạm trong đấu thầu thuốc tiếp tục điều hành thì “căn bệnh lợi ích nhóm” trong đấu thầu thuốc sẽ “lờn thuốc”!

TÂM VĨNH

Tin cùng chuyên mục