Những ngày gần đây, học sinh các trường THPT tại TPHCM chuyền tay nhau một đoạn clip ghi lại cảnh một giáo viên đang biểu diễn võ thuật taekwondo trên nền nhạc Nobody của một nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc. Clip ghi lại hình ảnh một thầy giáo dạy thể dục của một trường THPT chuyên tại TPHCM nhuần nhuyễn bài biểu diễn võ thuật kết hợp vũ đạo trên nền nhạc sôi động trong tiếng reo hò, cổ vũ của hàng trăm học sinh. Hình ảnh trong clip là một tiết học thể dục tự chọn, thầy giáo đã nghĩ ra sáng kiến bằng cách kết hợp bài học với những bài nhạc được các bạn học sinh tuổi teen ưa chuộng để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với môn học. Đoạn clip được lan truyền với tốc độ nhanh chóng và thực sự thu hút học sinh trong lẫn ngoài trường.
Những bài học sáng tạo thường nhận không ít những phản ứng trái chiều. Nhiều người xem clip cho rằng cách dạy học này phản cảm, hơi lố bịch hoặc dè bỉu giáo viên thích làm nổi. Trước đó, không ít người cũng từng phản ứng ngược với “hiện tượng” giáo viên dạy học bằng cách đọc rap. Hay những tiết dạy giáo dục công dân sinh động của thầy giáo trẻ Trần Anh Tuấn ban đầu cũng nhận nhiều ý kiến khen chê trái chiều đến khi thực sự hiệu quả mới được thừa nhận là sáng tạo, bổ ích… Chẳng lẽ chỉ những tiết dạy theo lối mòn đọc – chép, học sinh chăm chăm ngồi trong lớp, nhìn lên bảng mới là khoa học, hiệu quả? Chính những người trong cuộc là học sinh lại cho rằng các em hứng thú với những bài học sáng tạo kiểu này, vừa vui vừa lôi cuốn. Và bằng chứng rõ ràng nhất là tiết học tự chọn của thầy thể dục trên nền nhạc đã thu hút học sinh đến với môn học đông hơn trước. Điều này cho thấy học sinh đang rất thiếu và cần những bài học lạ, sáng tạo, không theo lối mòn.
Câu chuyện về những tiết học lạ thu hút học sinh cho thấy các em đang thiếu những tiết học thật sự lôi cuốn mà chỉ đơn thuần là những giờ học kiến thức. Đối với những môn học phụ như thể dục, mỹ thuật… giúp học sinh hoàn thiện thể chất, phát triển toàn diện nên việc thầy giáo nghĩ ra cách dạy lạ cũng là cách giúp học sinh giảm stress sau những giờ học căng thẳng. Sao chúng ta lại không nghĩ đến một bài học “2 trong 1” vừa mang lại tiếng cười vừa giúp học sinh nhớ lâu? Việc thử nghiệm những ý tưởng lạ, độc đáo vào giảng dạy không hẳn tất cả đều khoa học, thành công nhưng ít ra bản thân người giáo viên cũng đã dám nghĩ và làm. Họ ý thức, trăn trở làm thế nào để thu hút học sinh thích thú với môn học. Họ đã nghĩ đến chuyện người thầy phải “bán” những cái gì học sinh cần nghĩa là làm cách nào để mang đến những giờ học hiệu quả thiết thực nhất cho người học, chú ý đến nhu cầu tiếp nhận của học sinh.
Nhưng điều đáng tiếc là những thử nghiệm đổi mới chỉ theo kiểu tự phát ở một vài giáo viên trẻ. Câu chuyện đặt ra vấn đề là chúng ta phải làm sao đổi mới phương pháp giảng dạy. Đó là câu chuyện không của riêng ai.
Mỹ Hằng