Sổ tay: Sao kẻ lừa đảo được vay dễ?

Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc lên tiếng tỏ ý bất bình trước sự kiện Công ty TNHH Trường Ngân (ở Dĩ An, Bình Dương) cùng lúc bị 7 ngân hàng (NH) bao vây xiết nợ sáng ngày 3-12-2013. Bạn đọc nêu thắc mắc: Vì sao các NH rất khó khăn khi xét cho người dân thế chấp vay vốn, nhưng lại quá dễ dãi, lỏng lẻo với những trường hợp này, dẫn đến bị lừa?

Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc lên tiếng tỏ ý bất bình trước sự kiện Công ty TNHH Trường Ngân (ở Dĩ An, Bình Dương) cùng lúc bị 7 ngân hàng (NH) bao vây xiết nợ sáng ngày 3-12-2013. Bạn đọc nêu thắc mắc: Vì sao các NH rất khó khăn khi xét cho người dân thế chấp vay vốn, nhưng lại quá dễ dãi, lỏng lẻo với những trường hợp này, dẫn đến bị lừa?

Tài sản của Công ty Trường Ngân dùng để thế chấp là 3.340 tấn cà phê, trị giá chưa đầy 100 tỷ đồng nhưng cùng lúc được dùng làm tài sản thế chấp để vay tại 7 NH (Quân đội, VIB, Phương Đông, Agribank, Hàng hải, Vietinbank, Techcombank) với tổng số tiền vay lên đến 600 tỷ đồng. Cách nào để doanh nghiệp (DN) này vay được như vậy?

Đây không phải là vụ việc mới, vài tháng trước đây, dư luận xôn xao vụ ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Phương Nam (ở Sóc Trăng), khi ông “xuất ngoại”, bỏ lại khoản nợ hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là có khoảng 700 tỷ đồng liên quan đến tài sản thế chấp là hàng tồn kho nhưng lượng hàng trong kho thực tế chỉ có vài chục tỷ đồng, đó là chưa kể lượng hàng đó còn được thế chấp để vay ở NH khác nữa. Trong vụ án này có khoảng 30 cán bộ NH bị khởi tố và đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong các hoạt động tín dụng.

Gần đây, dư luận đang râm ran việc một “đại gia” trong ngành máy tính sắp phá sản, các nhà cung cấp bao vây đòi nợ. Ngoài ra, số nợ của “đại gia” máy tính này ở 4 NH lên đến 200 tỷ đồng. Cách mà “đại gia” này vay được từ các NH cũng đơn giản: ngoài việc dùng nhà đất thế chấp thì móc nối để được các nhân viên NH nâng giá trị tài sản hàng trong kho để thế chấp. Cũng cách đó, “đại gia” này cùng lúc vay tại nhiều NH khác nhau. Thay vì dùng số tiền vay được ủy nhiệm cho NH chi trả cho các nhà cung cấp hàng cho công ty mình, “đại gia” lại mua hóa đơn từ công ty người thân để rút tiền NH rồi chuyển tiền trở lại, dùng vào việc khác…

Qua nhiều vụ việc và cách thức giống nhau, dư luận mong muốn làm rõ các hành vi bắt tay của các nhân viên NH giúp cho những vụ vay vốn “khủng” dễ dàng trót lọt. Rõ ràng, nghiệp vụ NH có cho phép DN dùng hóa đơn để chứng minh tài sản trong kho, rồi dùng làm tài sản thế chấp. Thế nhưng, với DN bán lẻ thì hóa đơn đầu vào và số lượng thực tế hàng trong kho chênh lệch khác xa nhau. Điều đó ai cũng biết. Chắc hẳn cán bộ NH cũng thừa biết. Bằng nghiệp vụ của mình, cán bộ NH cũng không khó khăn mấy trong việc xác minh tài sản thế chấp này đã được thế chấp vay ở nơi nào chưa. Vậy mà, nhiều vụ vay đình đám tương tự nhau cứ thế trót lọt… Trong khi đó, nếu một người dân muốn vay vốn, dù chấp nhận thế chấp bằng chính căn nhà của mình thì tuy có phương án khả thi vẫn bị cán bộ NH xác minh đi xác minh lại, định giá kỹ càng và chỉ duyệt cho vay khoảng vài mươi phần trăm giá trị căn nhà. Do đó, việc cán bộ NH không kiểm kho để tài sản thế chấp teo tóp, đến khi đổ vỡ mới hay, thì rõ ràng là có móc ngoặc.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục