Sở TNMT Quảng Bình giải trình việc lắp thang trong hang Sơn Đoòng

Ngày 6-6, Sở TNMT tỉnh Quảng Bình cho biết đã có văn bản số 965 gửi UBND tỉnh việc lắp đặt thang trong hang Sơn Đoòng. 
Lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Quảng Bình khẳng định giải pháp lắp thang nêu trên có ảnh hưởng đến các quá trình địa chất nhưng không đáng kể
Lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Quảng Bình khẳng định giải pháp lắp thang nêu trên có ảnh hưởng đến các quá trình địa chất nhưng không đáng kể

Theo đó, văn bản do ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó giám đốc Sở gửi đi khẳng định: “Giải pháp kỹ thuật nêu trên có ảnh hưởng đến các quá trình địa chất nhưng không đáng kể; lợi ích đảm bảo an toàn, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường lớn hơn nhiều so với tác động của nó”.

 Văn bản này cũng nêu rõ, “Tại địa điểm lắp đặt thang vượt “Bức tường Việt Nam”, với phương gần thẳng đứng (nghiêng khoảng 70 độ), có 3 lỗ khoan để móc khóa neo giữ đỉnh thang, trong đó có 2 lỗ khoan cũ, 1 lỗ khoan mới. Hiện tại, có một điểm của thang tỳ vào vách của “Bức tường Việt Nam” nhưng đã được kê lót bằng đệm cao su để tránh trầy xước. Đoạn di chuyển còn lại của “Bức tường Việt Nam” chiều dài khoảng 65m, nghiêng khoảng 45 độ, có 23 lỗ khoan để neo móc dây bảo hiểm, trong đó 15 lỗ khoan cũ, 8 lỗ khoan mới. Theo báo cáo của Công ty Oxalis, các lỗ khoan cũ do đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh thực hiện năm 2010 khi khảo sát và thám hiểm hang, nay được trưng dụng lại. Các lỗ khoan có độ sâu 10cm với đường kính 1cm; theo chiều sâu của lỗ khoan, có khoảng 2cm khoan vào lớp nhũ đá phủ trên bề mặt của “Bức tường Việt Nam”, tiếp đến là 8cm khoan sâu đá vôi gốc. Các lỗ khoan phải khoan vào đá gốc mới có độ chắc chắn và an toàn cho du khách. Lối đi đến cửa sau hang Sơn Đoòng được giới hạn khoảng 1m và đi qua khu vực ít nhạy cảm để tránh ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn về địa chất và cảnh quan trong hang động”.

Sở TNMT đánh giá, thang vượt "Bức tường Việt Nam" không hề chạm tới thạch nhũ, việc lắp đặt thang và khoan vít không có dấu hiệu làm nứt vỡ bề mặt tại vị trí các lỗ khoan; sử dụng lại các lỗ khoan cũ trước đây và một số ít các lỗ khoan mới với đường kính nhỏ 1cm, nên ảnh hưởng rất nhỏ, không đáng kể so với mục tiêu đảm bảo an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Đoạn vượt bức tường 65m nghiêng 45 độ bằng dây an toàn, đường lưu thông hẹp, chỉ khoảng 0,5 m đi qua trên bề mặt lớp nhũ tràn, di chuyển từng người một nên tác động đến lớp nhũ tràn trên nền đá gốc và các quá trình địa chất và cảnh quan nói trên là không đáng kể.

Cũng theo Sở TNMT tỉnh Quảng Bình, phương án thử nghiệm đã rút ngắn thời gian tour du lịch chinh phục hang Sơn Đoòng từ 5 ngày 4 đêm xuống 4 ngày 3 đêm; cho phép giảm được đáng kể thời gian lưu trú của khách trên tuyến do không phải quay ngược lại tuyến cũ, nhờ đó giảm đáng kể tác động của du khách đến môi trường hang động, đảm bảo an toàn trong trường hợp có mưa lũ đột ngột; thuận lợi và kịp thời trong cứu hộ, cứu nạn đối với du khách khi có sự cố; nâng cao tính an toàn cho tour du lịch nói trên. Qua quan sát và đánh giá trực quan cho thấy, đoạn mới trong tuyến khảo nghiệm, mức độ tác động đến lớp thạch nhũ bề mặt và đa dạng sinh học, sinh thái là không đáng kể. Từ đó đơn vị này khẳng định: “Như vậy, lộ trình vượt “Bức tường Việt Nam” theo giải pháp kỹ thuật nêu trên có ảnh hưởng đến các quá trình địa chất là không đáng kể; lợi ích đảm bảo an toàn, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường lớn hơn nhiều so với tác động của nó”.

Trước đó, cuối tháng 5, Bộ VH-TT-DL có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra ảnh hưởng của việc thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng.

Cụ thể là trong văn bản 2108/BVHTTDL-DSVH nói rõ trước thông tin về việc báo chí nêu "Chấp thuận cho thám hiểm xuyên động Sơn Đoòng: Coi thường luật pháp, xúc phạm di sản?" phản ánh Công ty Oxalis được phép thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu tạo địa chất hang động Sơn Đoòng, Cục đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế, nếu đúng như báo chí phản ánh thì yêu cầu tạm dừng thi công, đồng thời khẩn trương báo cáo Bộ về việc này.

Động Sơn Đoòng có chiều rộng 150m, cao 200m, dài gần 9km được phát hiện vào năm 2009 là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới Việt Nam - Lào.

Đặc biệt, gần cuối động xuất hiện một kỳ quan cực kỳ quý hiếm được đặt tên là "Bức tường Việt Nam" (The Great Wall of Vietnam) cao 90m, được cấu tạo bởi nhũ đá có tuổi đời ước đến hàng triệu năm được các chuyên gia hang động đánh giá là kiệt tác thiên nhiên. Phía sau bức tường là đoạn hang dài 600 m và có lối ra cửa sau.

Theo phương án của các chuyên gia hang động đưa ra nhằm hạn chế thời gian lưu lại của du khách ở trong hang, tránh sự trùng lắp lối đi cho khách du lịch khi tham gia tuyến, hạn chế các tác động của du khách đến hang Sơn Đoòng được giảm đáng kể sẽ lắp thang dây, leo dây vượt qua "Bức tường Việt Nam".

Tin cùng chuyên mục