Số vụ chống người thi hành công vụ trong bảo vệ rừng tăng mạnh

Ngày 29-12, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 các tỉnh phía Nam.
Số vụ chống người thi hành công vụ trong bảo vệ rừng tăng mạnh

(SGGPO).- Ngày 29-12, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 các tỉnh phía Nam.

Tham dự Hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm 30 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện trường vụ phá rừng xảy ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Theo đánh giá tại Hội nghị, tính đến hết tháng 11-2016, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tình hình vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, trong năm qua tại các tỉnh phía Nam đã xảy ra 28 vụ chống người thi hành công vụ (tăng 55,6% số vụ so với năm 2015). Trong đó, các địa phương là điểm nóng như: Lâm Đồng xảy ra 6 vụ, Gia Lai 6 vụ, Đắk Nông 5 vụ, Ninh Thuận 4 vụ... làm bị thương 27 người (13 cán bộ kiểm lâm, 14 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng).

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có nhiều diện tích rừng tự nhiên, tại các dự án được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng và diện tích chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp.

Tính hết tháng 11-2016, các tỉnh phía Nam đã phát hiện 10.371 vụ vi phạm quy định của nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng (giảm 548 vụ so với năm 2015). Trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật là 1.214 vụ (diện tích bị phá gần 900 ha). Các vùng trọng điểm về phá rừng như tỉnh Gia Lai (huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông), tỉnh Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, TP Bảo Lộc), tỉnh Bình Định (huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ). Khai thác lâm sản trái pháp luật 1.167 vụ, tập trung tại các tỉnh Lâm Đồng (326 vụ), Ninh Thuận (129 vụ), Bình Thuận (102 vụ)...

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất thực hiện 8 giải pháp trong năm 2017 để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu lâm nghiệp; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; phân cấp rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp...

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục