(SGGP).- Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo chống hàng giả, hàng lậu và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để hội nhập và phát triển bền vững do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM và Công ty Vina CHG tổ chức ngày 26-11.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 149.926 vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại và vi phạm SHTT, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt ước đạt hơn 8.759 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời khởi tố 987 vụ với 1.120 đối tượng. Theo nhận định của ông Trần Hùng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, trong đó nổi trội là các mặt hàng cấm, có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao hoặc hàng mỹ phẩm, thực phẩm, ma túy, pháo lậu, thuốc nổ… Nếu như trước đây, hàng giả thường xuất hiện dưới dạng hàng trong nước giả danh hàng ngoại hoặc hàng nội giả hàng nội thì nay còn xuất hiện nhiều hình thức vi phạm mới như hàng ngoại giả hàng nội, hàng ngoại giả hàng ngoại. Th.S Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cũng cho rằng, có những lúc, những nơi hàng bị làm giả, làm nhái mặc nhiên tồn tại. Trong đó, người tiêu dùng vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất và kinh doanh hàng giả gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Tại TPHCM và Hà Nội, một số chợ, trung tâm thương mại đã trở thành “thiên đường” của hàng giả, hàng nhái. Một trong những nguyên nhân khiến mức độ vi phạm ngày càng gia tăng là do công tác kiểm tra, giám sát và xử lý chưa chặt chẽ.
Để từng bước loại trừ hàng gian, hàng giả, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó ý thức tiêu dùng của người dân cùng sự tuyên truyền mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng. Đối với các DN cũng cần trang bị những “vũ khí” tốt hơn để phòng chống việc làm giả như tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng. “Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực xây dựng nếu người dân chỉ cần xây không đúng quy định sẽ bị phát hiện và xử lý ngay, trong khi hoạt động sản xuất hàng giả, gian lận thương mại diễn ra công khai tại nhiều địa bàn quận, huyện nhưng vẫn được cho là “hoạt động tinh vi, phức tạp” thì không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng, nếu hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường của các lực lượng chức năng được thực thi với trách nhiệm cao, vừa có tâm, vừa có tầm, chắc chắn công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả sẽ đạt hiệu quả cao”, ông Trần Hùng kết luận.
THÚY HẢI