Số xổ chiều nay

Trong quán cà phê trên đường 9A (khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh) khách ngồi giãn cách, nhưng tới bàn nào cô cũng bán được vài tờ, mới đó một xấp vé số dày cộm, giờ nhẹ tênh. Cô mừng trong bụng, đếm lại coi còn mấy tờ: “Mới đi bán lại bữa đầu mà hên quá, nay hết sớm rồi. Dịch mấy tháng trời, nay mới bán lại, tui đâu có dám lãnh nhiều, kiếm tiền đủ bữa chợ là mừng”. Cô cầm mấy tờ vé số còn lại, đi sang quán khác, rồi khuất hẳn trong dòng người, xe cộ trên đường.
Người bán vé số ở TPHCM
Người bán vé số ở TPHCM

Đi qua những ngày giãn cách xã hội kéo dài, ngồi cà phê, mua tờ vé số cũng trở thành niềm vui với nhiều người. Nhưng với người bán, đó còn là cả một sự hạnh phúc vì có thể tự lo cho mình bữa cơm trọn vẹn, còn sức thì còn đi bán… Nhiều người bán vé số mừng ngày trở lại, bởi với họ những người lao động nghèo nhưng không nghèo lòng tự trọng. Đi bán có đồng vô đồng ra, tự mình lo được bữa cơm, tiền chợ là hạnh phúc, không phải chờ đợi sự giúp đỡ từ cộng đồng hay ỷ y vào tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Vé số là câu chuyện may rủi, nhưng bán vé số ở thành phố này cũng có một màu sắc riêng trong đời sống hè phố. Ai trầm tính, ít nói thì cứ cầm xấp vé số, giấy dò rồi chịu khó cuốc bộ hoặc xe đạp cọc cạch qua những con đường, dừng lại ở mấy quán cà phê, quán ăn… để mời khách. Muốn mua nhanh bán lẹ, thì phải chịu khó “đầu tư”, có người hóa trang như ông thần tài mời vé số tới đâu, khách cười rần rần tới đó, mua lấy hên có khi cả vài chục tờ. Có ông chịu khó nói chuyện, bán được vé số mà khách còn mời thêm ly cà phê, vỗ vai cười khà khà: “Uống ly cà phê nói chuyện chơi cho vui chút, rồi đi bán cha nội”…

Có người bán vé số cũng rao lảnh lót không thua gì cánh hàng rong: “Số đây, số xổ chiều nay”, “10 ngàn bỏ túi làm chi, mua tờ vé số có khi đổi đời”… Những tiếng rao quen thuộc, dần trở thành một màu sắc đặc trưng trong đời sống hè phố. Ở thành phố này, có một công việc lương thiện thì bất kỳ ai cũng có thể cho mình một góc nhỏ để mưu sinh.

Những buổi chiều, cận kề giờ xổ số, ngang qua những con đường đông đúc trong thành phố hay những ngã 5, ngã 6… không khó để bắt gặp những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn của nghề bán vé số. Người bán chìa xấp vé số dày cộm ra gần sát ngoài đường, tay vẫy không ngớt với hy vọng bán vớt vát thêm được tờ nào hay tờ đó.

Không ít lần, có một vài ý kiến cũng lời ra tiếng vào chuyện mua vé số, rằng đây không phải là cách đầu tư, là một sự lãng phí… Nói thế nào thì ai cũng có cái lý riêng, không ai đúng, chẳng ai sai nhưng vé số vẫn cứ xổ mỗi ngày, người lao động nghèo thì gửi gắm chút ước mơ, người có của ăn của để thì mua giúp người bán, còn với người bán thì đó là một công việc lương thiện, dễ kiếm cơm. Chuyện đời cứ vậy mà xoay vần… Nhưng cũng đừng bước qua chữ “quá”, để rồi trở thành kẻ nghiện số, mê đánh đề là được.

Trong nhịp sống hiện đại, ngồi nhà người ta cũng có thể mua vé số “kiểu Mỹ”, một lần trúng là đúng nghĩa “đổi đời, lên hương”, nhưng vé số truyền thống vẫn có một đời sống riêng. Nhiều người cứ thích mua cho mình một chút mơ ước, một chút hy vọng để rồi trúng giải mấy cũng vui, không trúng thì cười trừ coi như mình giúp người bán một vé, nhất là những người già, người khuyết tật.

Đâu đó trên những con đường ở TPHCM mấy ngày qua, giờ tan tầm đã có chỗ kẹt xe, hàng quán đã có người ngồi nhâm nhi ly cà phê cữ sáng… Trong nhịp sống dần nhộn nhịp trở lại, đã có những tiếng rao hàng rong lảnh lót từ hè phố, tiếng mời chào vé số, không ít người cứ vậy mà vui. 

Thành phố sôi động, nhộn nhịp này nếu thiếu đi những âm thanh đời thường, bình dị đó thì nhịp sống đường phố hẳn là thiếu mất một nhịp đời thân quen.

Tin cùng chuyên mục