Soạn giả - NSND Viễn Châu - “Thầy tuồng” có một không hai

Soạn giả - NSND Viễn Châu được xem là người thầy của các tài danh cải lương như NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết... Là một trong nhiều học trò của ông, NSND Bạch Tuyết đã có những chia sẻ về người thầy của mình. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết trên.
Soạn giả - NSND Viễn Châu - “Thầy tuồng” có một không hai

Soạn giả - NSND Viễn Châu được xem là người thầy của các tài danh cải lương như NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết... Là một trong nhiều học trò của ông, NSND Bạch Tuyết đã có những chia sẻ về người thầy của mình. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết trên.

Soạn giả - NSND Viễn Châu là “người thầy tuồng” có một không hai của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Mỗi ngôi sao danh tiếng của cải lương  đều có diễm phúc hơn một lần được ông “đo ni đóng giày” khi trình diễn. Tùy nét riêng của từng giọng ca mà ông đặt để bài bản, sắp xếp câu chữ sao cho làn hơi mỗi người khi cất lên đổ xuống câu vọng cổ, dù hò, xự, xang, xê, cống, liu, ú, xáng… như rót vào tim, khiến người nghe nao lòng, không quên được. Ông viết cho tôi bài vọng cổ Tuyết trắng thuở tôi 20 tuổi, qua đó nói lên tâm sự cô đào hát không may mồ côi mẹ khi vừa 8 tuổi. Ông viết Dương Quý Phi, khi tôi 25 tuổi và cho đến bây giờ, khi đã ngoài 70 tuổi, đi đâu, chỗ nào, tôi cũng được khán giả yêu cầu hát: “...Tay nào chàng ấp ủ dung nhan? Tay nào chàng sẽ lau lệ anh hùng nghẹn chảy. Thiên trường hận ngàn năm còn tức tưởi khi cánh hoa đã lịm dưới hoang mồ…”. “Thôi hết rồi tiếng ái tiếng ân, thôi trả hết mưa Tần, gió Sở. Hoa xuân rã cánh bên đường. Chẳng biết ai còn nhớ thiếp hay chăng?”. Mỗi bài ca ông viết là một câu chuyện cảm động, tha thiết chân thành, có mở đầu, có kết thúc và luôn là một kết thúc có hậu.

Soạn giả- NSND Viễn Châu trong một lần hát bản vọng cổ do ông sáng tác Anh không chết đâu em

Tài danh như vậy có lẽ vì ông xuất thân từ một nhạc sĩ với ngón đàn tranh, guitar... tuyệt mỹ. Thông qua bài ca, tác phẩm, khi người nghệ sĩ hát lên, chúng ta nhận ra chất nhạc tính đầy đặn, cách xử lý thông minh, tinh tế và đặc biệt hết sức trữ tình trong trăm ngàn bài ca - vở tuồng của ông.  

Cố GS-TS Trần Văn Khê - người đồng môn tri âm tri kỷ với NSND Viễn Châu - từng nói về bản thân mình và NSND Viễn Châu: “Thân tuy ngồi một chỗ, trí yếu nhưng tim nồng vẫn rải nhiều nơi”. Người tài không có tuổi. Cái tuổi của tháng năm không có khả năng ngăn dòng chảy đam mê trong ý thức để hình thành, sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Ở NSND Viễn Châu, chúng ta thấy cái tâm, cái tài, cái thần của một con người trọn cuộc đời sống và làm việc với khát vọng làm nên, khắc họa những nét đẹp cho đời. 

Ông từng nói, sở dĩ viết được nhiều là vì ông “đi nhiều, học nhiều, quan sát nhiều, thấy nhiều” và câu nào của ông nói ra cũng chân thật và cảm động như những gì ông viết. Chính nhờ thế nên nghệ sĩ - công chúng khán giả không chỉ hát, nghe bài của ông mà đã thật sự thưởng thức, cảm nhận, biết ơn ông tận tấm lòng.

Tôi yêu quý, trân trọng hầu hết những sáng tác vọng cổ - những vở tuồng ông viết cũng như mê mẩn những giọng ca tài hoa của cải lương đã từ lâu đi vào lòng khán giả. Bởi mỗi bài, mỗi vở đều hợp với từng người khi ông nhận lời viết riêng cho mỗi chúng tôi. Là học trò của ông, chúng tôi học được ở ông tính cách sống thật với chính mình, biết nhận ra đều tốt cũng như những gì chưa hoàn thiện, tự nhận trách nhiệm, tự thân rèn giũa, đồng thời nhờ nghệ thuật gột rữa để trong mắt công chúng, mình thể hiện nhân vật của mình một cách thanh thản - trung thực nhất.

Chỉ với cây viết và cây đàn trên tay, NSND Viễn Châu đã gửi gắm cả cuộc đời vào những tác phẩm sân khấu và cũng chính những sáng tác này đã làm tròn sứ mệnh giúp biết bao người nghệ sĩ thành danh, trong đó có tôi.

Chúng ta thật sự đau buồn nghe tin ông ra đi. Điều ông mãi mãi ở lại với chúng ta, với các thế hệ sau này chính là những tác phẩm toát lên, khẳng định tài hoa, trí tuệ, tâm hồn của một con người, đến - như mọi người bình thường khác; đi - tên tuổi ông được viết hoa trong cuộc đời, trong nghệ thuật cải lương, một loại hình ca kịch dân tộc góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam.

 Sáng 2-2, lễ nhập quan soạn giả - NSND Viễn Châu được tiến hành trong không khí trang nghiêm tại nhà riêng ở TK8/11 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM. Nhạc sĩ Trương Minh Châu, con trai của soạn giả - NSND Viễn Châu cho biết: “Má tôi muốn ba tôi vẫn nằm ở nhà trong những ngày cuối cùng trước khi bà và con cháu không còn nhìn thấy ông nữa. Do đó, chúng tôi làm đúng mong muốn của má”. Như vậy, linh cữu của soạn giả, NSND Viễn Châu hiện đang được quàn tại nhà riêng, chứ không di quan đến Nhà tang lễ thành phố như dự kiến được công bố ban đầu.

Lễ viếng soạn giả, NSND Viễn Châu bắt đầu lúc 10 giờ ngày 2-2 (nhằm ngày 24 tháng Chạp). Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 4-2 (nhằm ngày 26 tháng Chạp); sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

NSND BẠCH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục